MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM

Trương Hồng Quang*

 1. Dẫn nhập

Trong quá trình hoàn thiện các công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, chế định trách nhiệm sản phẩm đã ra đời như một sự tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng một cách đầy đủ và hữu hiệu hơn. Chế định pháp luật này được áp dụng đầu tiên ở Hoa Kỳ, sau đó được tiếp nhận bởi các quốc gia ở Châu Âu (ở cấp độ Liên minh Châu Âu và quốc gia thuộc Liên minh), ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN). Tuy nhiên, nhiều quốc gia ASEAN chỉ mới chú ý đến chế định trách nhiệm sản phẩm trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như Thái Lan mới ban hành Luật về trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn vào năm 2008. Ngay cả ở quốc gia khai sinh ra pháp luật về trách nhiệm sản phẩm là Hoa Kỳ thì cuộc tranh cãi về chế định pháp luật này vẫn chưa bao giờ kém sôi động. Những quan niệm khác nhau về phạm vi trách nhiệm, về căn cứ xác định trách nhiệm có những điểm khác nhau nhất định tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và hệ thống pháp luật của từng nước mặc dù bản thân chế định này được coi như là một hiện tượng pháp lý phổ biến. Có thể nói, những tranh luận về vấn đề trách nhiệm sản phẩm chính là sự thể hiện một cách rõ rệt nhất mối quan hệ giữa lợi ích của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế với lợi ích của công chúng, lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có bất kỳ cuộc tranh luận nào xung quanh chế định pháp luật này thì vẫn có được một sự thừa nhận chung: trách nhiệm sản phẩm là một công cụ pháp lý không thể thiếu để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại. Đầu năm 2010, Toyota mở đợt thu hồi kỷ lục 8,5 triệu chiếc trên toàn cầu, Nissaan thu hồi 500.000 chiếc, Huyndai thu hồi 500.000 chiếc, GM thu hồi 1,3 triệu chiếc và Honda cũng thu hồi 500.000 chiếc. Cơn địa chấn này của thị trường ô tô còn chưa lắng xuống thì nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lại đứng trước nguy cơ phải thông báo thu hồi 218.000 xe Tundra. Theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), các xe Toyota Tundra sản xuất trong hai năm 2000 và 2001 có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ăn mòn khung xe. Tiếp đó, Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc đã yêu cầu Toyota tiến hành thu hồi 13.000 xe tại nước này do nguy cơ thảm sàn chẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc ngoài kiểm soát. Những đợt thu hồi xe như này cho thấy sự cần thiết và tác động to lớn của vấn đề trách nhiệm sản phẩm. Bài viết sau đây sẽ tìm hiểu những vấn đề cơ bản của chế định này.

1. Một số khái niệm cơ bản

1.1. Sản phẩm

Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về sản phẩm. Theo Tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000:2005[1] thì sản phẩm là kết quả của một quá trình, trong đó “quá trình” là tập hợp các hoạt động có liên quan lẫn nhau hoặc tương tác với nhau để biến đổi đầu vào (input) thành đầu ra (output). Các chủng loại sản phẩm phổ biến nhất gồm: hàng hóa (gồm cả phần mềm – software, phần cứng – hardware, vật liệu chế biến – processed meterial) và dịch vụ (services). Có thể nhận thấy khái niệm này không dựa trên tính chất trao đổi (mua bán), chức năng hay dạng vật chất của sản phẩm để định nghĩa mà dựa trên chu trình sống của sản phẩm. Sản phẩm chỉ trở thành hàng hoá ở giai đoạn lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Dưới giác độ thị trường (marketing) thì sản phẩm là thứ có khả năng thoả mãn nhu cầu mong muốn của khách hàng, cống hiến những lợi ích cho họ và có thể đưa ra chào bán trên thị trường với khả năng thu hút sự chú ý mua sắm và tiêu dùng. Theo đó, một sản phẩm được cấu tạo và hình thành từ hai yếu tố cơ bản vật chất và phi vật chất. Như vậy, theo quan điểm của cả giác độ marketing và tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO, sản phẩm gồm 2 bộ phận: hàng hóa và dịch vụ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì: “sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng”1. Có thể thấy khái niệm này tương đồng với khái niệm hàng hóa của tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000:2005.

Khi xem xét trên góc độ pháp luật các nước trên thế giới, theo khái niệm của Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản (Luật số 85 ban hành năm 1994) thì thuật ngữ “sản phẩm” có nghĩa là tài sản được sản xuất hoặc chế biến có thể di chuyển được2. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của luật này là “sản phẩm” chỉ hạn hẹp trong hàng hóa và hàng hóa đó phải là tài sản hữu hình. Chỉ những sản phẩm đã qua chế biến mới là đối tượng điều chỉnh của luật này và những sản phẩm là kết quả của quá trình lao động nhưng không qua chế biến như: khoáng sản, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp chưa chế biến hoặc đóng gói, các tài sản vô hình như phát minh, sáng chế, nhãn hiệu thương mại…đều không được điều chỉnh bởi pháp luật trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản.

Theo Chỉ thị số 34/1999 về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu thì sản phẩm là mọi động sản kể cả động sản sáp nhập trong động sản hoặc bất động sản khác, sản phẩm bao gồm cả điện3. Như vậy, sản phẩm với tư cách là đối tượng điều chỉnh của Liên minh châu Âu mở rộng hơn quan điểm của Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản, xem xét sản phẩm trên góc độ đặc tính của chúng. Động sản ở đây có thể bao gồm cả những nông lâm ngư sản chưa qua chế biến. Điện năng cũng được coi như một loại nhiên liệu, một bộ phận cấu thành của sản phẩm. Trong khi đó, “Restatements 3rd Torts” (Luật Bồi thường thiệt hại, bản sửa đổi lần thứ 3) năm 1997 của Hoa Kỳ định nghĩa sản phẩm là những tài sản cá nhân hữu hình, bao gồm cả nguyên liệu chưa qua chế biến. Như vậy, quy định của pháp luật Hoa Kỳ không quan tâm tới quá trình tạo ra sản phẩm và chỉ xem xét sản phẩm trên khía cạnh hình thái vật chất và chủ thể sở hữu sản phẩm.

Tóm lại dưới giác độ của trách nhiệm sản phẩm thì sản phẩm bao gồm những động sản được sản xuất hoặc chế biến[2], nó không phụ thuộc vào việc sản xuất theo dây chuyền công nghiệp với quy mô lớn hay sản xuất thủ công những sản phẩm riêng lẻ[3]. Cách hiểu này tương đồng với quy định của pháp luật ở nhiều nước về sản phẩm đồng thời mang tính chất đặc thù của pháp luật trách nhiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, như đã phân tích, trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của một số quốc gia còn mở rộng khái niệm sản phẩm đối với các dịch vụ.

1.2. Sản phẩm khuyết tật

Một sản phẩm tiêu dùng có khuyết tật có thể sẽ trở thành đối tượng của trách nhiệm sản phẩm. Theo Đại từ điển Black’s Law[4] thì sản phẩm có khuyết tật được hiểu là sản phẩm gây ra sự thiếu an toàn (nguy hiểm) một cách bất hợp lý trong điều kiện sử dụng bình thường mà không đáp ứng được yêu cầu mà một người sử dụng mong đợi, không phù hợp với những tiêu chuẩn thiết kế ban đầu hoặc có lỗi kĩ thuật trong thiết kế, sản xuất sản phẩm[5]. Khuyết tật của sản phẩm có 3 loại:

Thứ nhất, khuyết tật do thiết kế (design defects): xảy ra khi sản phẩm được sản xuất theo đúng thiết kế, nhưng bản thân sản phẩm có những dấu hiệu có thể gây ra nguy hiểm bất hợp lý cho người sử dụng theo cách thức thông thường. Những khuyết tật này là do trong quá trình thiết kế, nhà thiết kế, nhà sản xuất đã không lường trước được những nguy hiểm trong quá trình thiết kế hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn thông thường cho một thiết kế của sản phẩm[6].

Thứ hai, khuyết tật do sản xuất (manufacturing defects): Khuyết tật trong giai đoạn sản xuất sản phẩm xuất hiện khi mà thành phẩm không tuân theo thiết kế dự kiến hoặc quy cách phẩm chất của nhà sản xuất đề ra. Ví dụ, những sản phẩm có khuyết tật do khi sản xuất đã sử dụng những vật liệu không đúng tiêu chuẩn, không tuân theo các thông số kĩ thuật đã thiết kế…

Thứ ba, khuyết tật do không cảnh báo sự nguy hiểm, không cảnh báo sự an toàn (warrant defects): khuyết tật này thường xuất hiện trong giai đoạn chào bán, đưa sản phẩm vào quá trình tiêu dùng. Theo đó người  phân phối đã không cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng về những nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm. Loại khuyết tật này xảy ra phổ biến ở các loại dược phẩm, mỹ phẩm khi nhà sản xuất, nhà phân phối, người bán lẻ không chỉ dẫn cách sử dụng hoặc những tác động phụ của các loại sản phẩm trên[7].

Một vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để xác định khuyết tật của sản phẩm. Để làm được điều này người ta dựa vào nhiều yếu tố như bản chất của sản phẩm, cách sử dụng sản phẩm một cách thông thường, thời hạn lưu hành sản phẩm trên thị trường[8]. Ngoài ra, để đánh giá sự an toàn của sản phẩm, người ta còn phải căn cứ vào mối quan hệ giữa giá cả của sản phẩm và mức độ thỏa mãn của sản phẩm mang lại. Ở một mức giá nào đó mà người tiêu dùng bỏ ra cho sản phẩm, về nguyên tắc, anh ta sẽ được quyền chờ đợi về một sự đảm bảo về chất lượng tương ứng với giá đó. Chẳng hạn, khi mua xe ô tô với hệ thống phanh chống bó cứng và phân bố lực điện tử (ABS), người mua sẽ phải trả giá cao hơn nhiều so với phanh tang trống thông thường và người mua có quyền chờ đợi sự an toàn của hệ thống phanh ABS nhiều hơn so với phanh thông thường khác, nhất là khi xe chạy trên những địa hình khác nhau. Nếu rủi ro vẫn xảy ra như trong điều kiện của phanh thông thường thì chứng tỏ rằng sản phẩm phanh ABS có khuyết tật.

Một vấn đề khác cần tìm hiểu là khuyết tật của sản phẩm phải chứa đựng sự thiếu an toàn (nguy hiểm) một cách bất hợp lý (unreasonably) khi sử dụng sản phẩm. Nếu một sản phẩm với bản chất chứa đựng sự nguy hiểm, sự nguy hiểm này luôn tồn tại một cách hợp lý trong quá trình sử dụng sản phẩm thì nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó. Chẳng hạn, thiết bị truyền tải điện, xăng dầu, axit, độc dược… những sản phẩm này vốn đã ẩn chứa sự nguy hiểm, nhưng công năng, tính hữu dụng của nó còn lớn hơn nhiều so với sự nguy hiểm đó. Sự nguy hiểm tồn tại thực chất là do bản chất công năng của sản phẩm, nó gắn liền với bản chất của sản phẩm.

Một nhân tố khác để đánh giá một sản phẩm có khuyết tật là liệu sản phẩm đó cần phải có những cảnh báo thích hợp hay không? Nếu sự cảnh báo không đầy đủ sẽ làm tăng sự nguy hiểm, thì bản thân nó cũng có thể coi là sự cẩu thả của nhà sản xuất. hơn nữa, sự cảnh báo thích hợp về sự nguy hiểm tiềm ẩn trong sản phẩm phải thỏa mãn điều kiện: khi sử dụng sản phẩm đó sẽ không phát sinh rủi ro một cách vô lý cho người sử dụng. do đó, một sản phẩm có ẩn chứa các nguy cơ gây nguy hiểm mà được cảnh báo một cách thích hợp cho người sử dụng theo cách thức thông thường thì nhà sản xuất sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại do nguồn nguy hiểm đó.

1.3. Quan niệm về trách nhiệm sản phẩm

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không còn là một vấn đề mới ở các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được Liên Hiệp quốc ghi nhận trong Bản hướng dẫn về bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, theo đó người tiêu dùng có các quyền cơ bản như quyền được thông tin, quyền được sử dụng các sản phẩm an toàn, quyền được bồi thường thiệt hại khi có các thiệt hại do sản phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng[9]… Pháp luật đa số các nước đều ban hành các quy định pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng và quy định chi tiết các quyền lợi được bảo vệ của người tiêu dùng đồng thời cũng quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng sản phẩm của mình. Khi một người tiêu dùng bị thương tổn về sức khỏe, thiệt mạng hoặc thiệt hại về tài sản do những khuyết tật của sản phẩm gây ra thì họ có quyền được yêu cầu nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc người bán hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình. Quyền được bồi thường cho thiệt hại là một quyền cơ bản của người tiêu dùng và được ghi nhận trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các nước trên thế giới. Tương ứng với quyền của người tiêu dùng thì nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu sẽ có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu do sản phẩm của mình có khuyết tật gây ra. Hầu hết các nước phát triển đều quy định vấn đề trách nhiệm sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật quản lý chất lượng sản phẩm của Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 9 năm 1993 tại Điều 14 cũng quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối phải cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng cho người tiêu dùng. Nếu sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại vật chất về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản cho người tiêu dùng hoặc người sử dụng sản phẩm thì nhà sản xuất, nhà phân phối đó phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, Nghị viện của Liên minh châu Âu ban hành Bản Chỉ thị[10] về Trách nhiệm sản phẩm vào ngày 25 tháng 07 năm 1985[11] áp dụng chung cho các nước thành viên, quy định tại Điều 1: “Nhà sản xuất có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại mà sản phẩm có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng”. Tháng 7 năm 1992, Nghị viện của Australiar ban hành Luật trách nhiệm sản phẩm. Điều 1 quy định bất cứ người nào cung cấp sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người sử dụng thì phải bồi thường. Luật trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 7 năm 1995 quy định bất kì nhà sản xuất, nhà phân phối hay nhà nhập khẩu nào cung cấp sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại đó.

Thông qua quan niệm của pháp luật một số quốc gia, khu vực trên thế giới, có thể hiểu “Trách nhiệm sản phẩm” (product liability) là trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán hàng trong việc bồi thường cho các thiệt hại gây ra bởi khuyết tật của hàng hoá mà họ đã cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh[12]. Với cách hiểu này, trách nhiệm sản phẩm có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, trách nhiệm sản phẩm là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tức là một loại trách nhiệm dân sự theo đó người gây thiệt hại có trách nhiệm phải bù đắp theo những hình thức và mức độ phù hợp những thiệt hại đã gây ra cho người khác dựa trên căn cứ pháp luật hoặc dựa trên những thoả thuận theo hợp đồng.

Thứ hai, chủ thể của trách nhiệm sản phẩm là người sản xuất hoặc người bán hàng, tức là phải là một chủ thể nhất định tham gia vào quy trình đưa một sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Chủ thể đó có thể có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng hoặc không có mối liên hệ trực tiếp. Điều kiện cần để xác định một chủ thể có thuộc diện phải chịu trách nhiệm chỉ phụ thuộc vào việc người đó trực tiếp có mối liên hệ đối với sản phẩm mà người tiêu dùng đã sử dụng hay không. Mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm có thể là một trong các hình thức sau: (i) là người sản xuất ra sản phẩm: người sản xuất ra sản phẩm bao gồm cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là người sản xuất ra một phần, một bộ phận trong sản phẩm hoàn chỉnh đó; (ii) là người thực hiện vai trò phân phối trung gian đối với sản phẩm hoặc (iii) là người cung cấp sản phẩm đến tay của người tiêu dùng. Như vậy, về mặt nguyên tắc, trong bất kỳ trường hợp nào, đối với một sản phẩm xuất hiện trên thị trường luôn tồn tại chủ thể chịu trách nhiệm đối với sản phẩm này.

Thứ ba, cơ sở để xác định trách nhiệm phát sinh trên thực tế là việc sản phẩm có khuyết tật và khuyết tật đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng: khuyết tật của sản phẩm có thể bắt nguồn từ thiết kế, từ chất liệu được sử dụng, từ kết hợp giữa các bộ phận, thành phần hay cách thức sử dụng, vận hành… mà có khả năng gây ra thiệt hại cho người sử dụng nó trong điều kiện thông thường. Có thể nói một cách khác là một sản phẩm được coi là có khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn. Tất nhiên, yêu cầu về tính an toàn đối với sản phẩm không phải là không có giới hạn và thường được xác định ở mức độ mà công chúng có thể trông đợi một cách hợp lý: có nghĩa là không có khả năng gây ra thiệt hại khi được tiêu dùng bởi một người tiêu dùng có nhận thức thông thường, trong điều kiện thông thường. Đối với một số sản phẩm nhất định, khả năng gây thiệt hại trong điều kiện thông thường có thể không bị coi là khuyết tật của sản phẩm nếu nhà sản xuất hay cung ứng đã có cảnh báo về khả năng gây nguy hiểm cũng như đưa ra phương pháp mà người tiêu dùng có thể phòng tránh mà không ảnh hưởng đến sự tiêu dùng bình thường cũng như là tính năng của sản phẩm. Ngoài ra, tính an toàn cũng được giới hạn ở phạm vi mà điều kiện phát triển khoa học, kỹ thuật… tại mỗi giai đoạn cho phép nhận biết. Nếu khả năng nhận biết về tính không an toàn vượt quá mức độ mà sự phát triển khoa học, kỹ thuật tại thời điểm đó cho phép nhận biết thì sự không an toàn vượt quá khả năng nhận biết đó không bị coi là khuyết tật.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ chế định bồi thường thiệt hại nào, sự tồn tại thực tế của khuyết tật có thể sẽ không phát sinh trách nhiệm nếu như không có thiệt hại thực tế xảy ra. Chỉ khi có một thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại đó thực sự là do khuyết tật của sản phẩm gây ra thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạm vi trách nhiệm cũng sẽ nằm trong phạm vi, mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế gây ra bởi khuyết tật của sản phẩm đó. Như vậy, cơ sở xác định trách nhiệm phải bao gồm sự tồn tại của khuyết tật của sản phẩm, có thiệt hại thực tế xảy ra và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra với khuyết tật của sản phẩm.

Thứ tư, trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà căn cứ phát sinh là trách nhiệm pháp lý của người sản xuất, người cung ứng sản phẩm hàng hoá đối với an toàn về sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Việc xác định trách nhiệm đối với sản phẩm không nhất thiết chỉ dựa vào quan hệ hợp đồng giữa người bị thiệt hại và nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm. Như đã phân tích, mối liên hệ giữa người phải chịu trách nhiệm và người được xác định thông qua một sản phẩm mà người phải chịu trách nhiệm là người sản xuất hoặc cung ứng và người được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng nó, giữa họ có thể có quan hệ hợp đồng, giao dịch trực tiếp hoặc không có quan hệ hợp đồng[13].

2. Bản chất và các học thuyết cơ bản của chế định trách nhiệm sản phẩm

Về bản chất, trách nhiệm sản phẩm chính là sự ràng buộc về mặt pháp luật trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối cũng như người bán lẻ đối với công chúng khi cung ứng sản phẩm trên thị trường. Trách nhiệm đó thể hiện ở việc khi một sản phẩm được nhà cung cấp đưa ra thị trường, sản phẩm đó đương nhiên phải được coi là an toàn, không phụ thuộc vào việc người sản xuất hay cung ứng có công bố là sản phẩm đó có an toàn hay không. Với sự ràng buộc trách nhiệm này, để tránh hoặc giảm thiểu những hậu quả pháp lý mà sản phẩm khuyết tật gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường sẽ phải nỗ lực để loại trừ khuyết tật của sản phẩm, từ đó đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo an toàn. Trong trường hợp sự an toàn không được đảm bảo và người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại thì họ sẽ được bồi thường, do vậy lợi ích của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo ở mức độ cao nhất. Với hệ thống quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng đương nhiên được bảo vệ và không đòi hỏi phải có bất kỳ khả năng đàm phán, thuyết phục nào và không một nhà sản xuất hay cung ứng nào có thể sử dụng ưu thế của mình trong quan hệ với người tiêu dùng để loại trừ trách nhiệm này.

Để xác định liệu nhà sản xuất hay người bán có phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng về các thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra hay không, pháp luật về trách nhiệm sản phẩm dựa trên ba chuẩn pháp lý cơ bản là học thuyết về sự bất cẩn (negligence), học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (warranty) và học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability)[14].

Học thuyết về sự vi phạm nghĩa vụ bảo đảm đưa ra những căn cứ để người tiêu dùng khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp người sản xuất, cung ứng vi phạm nghĩa vụ bảo đảm. Theo học thuyết về sự bảo đảm, người sản xuất, cung ứng khi đưa sản phẩm ra thị trường thì cũng có nghĩa là đưa ra những bảo đảm nhất định về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng. Khi sản phẩm đó có khuyết tật và gây thiệt hại cho người tiêu dùng tức là người sản xuất, cung ứng đã vi phạm nghĩa vụ bảo đảm và vì vậy họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Các hình thức bảo đảm bao gồm bảo đảm công khai (express warranty); bảo đảm ngầm định, bao gồm bảo đảm ngầm định về tính thương mại (implied warranty of merchantability) và đảm bảo ngầm định về tính phù hợp về công dụng của sản phẩm (implied warranty of fitness).

(i) Bảo đảm công khai được xác định bởi tuyên bố hay giới thiệu của người bán hay người cung cấp sản phẩm rằng sản phẩm A hoặc X của họ có những công dụng nhất định. Ví dụ, nhà sản xuất dược phẩm Y ghi trên toa thuốc rằng dược phẩm này chữa được bệnh hen. Với đảm bảo này, nhà sản xuất cam kết rằng dược phẩm có công dụng chữa hen. Bảo đảm công khai cũng có thể thể hiện bằng lời nói đưa ra trong quá trình thương lượng hoặc được đưa vào các bản hợp đồng mua bán, vào mẫu thử, trong lần mua trước đối với cùng một loại sản phẩm, hoặc khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc những thứ đi kèm theo sản phẩm.

(ii) Bảo đảm ngầm định xuất hiện khi nhà sản xuất hay cung ứng không đưa ra sự thay đổi hoặc sự khước từ nào đối với tính thương mại của sản phẩm. Trong trường hợp đó, sản phẩm được coi là mang tính thương mại và phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm cùng loại, bao gồm cả những yêu cầu về mức độ an toàn hợp lý.

(iii) Bảo đảm về công dụng (sự phù hợp với một mục đích cụ thể) xuất hiện khi người bán biết hoặc có lý do để biết về mục đích cụ thể mà người mua sản phẩm mong đạt được. Khi đó, người bán được coi là bảo đảm rằng sản phẩm sẽ là phù hợp cho mục đích mà vì thế người mua đã mua nó. Ví dụ, trong trường hợp khách hàng nói với người bán máy vi tính rằng anh ta cần một chiếc máy vi tính tốc độ cao để quản lý kho dữ liệu và các hoạt động thu chi trong hoạt động kinh doanh của mình và người bán đã khuyên người mua mua một chiếc máy tính cụ thể để xử lý các yêu cầu này. Điều này có nghĩa là người bán đang đưa ra một bảo đảm ngầm định. Nếu người mua chiếc máy đó phát hiện thấy máy đã mua không đáp ứng được yêu cầu quản lý kho dữ liệu và các khoản thu chi của mình thì có thể kiện.

Bảo đảm ngầm định được thiết lập theo quy định của pháp luật, và đi kèm với việc chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa, trừ trường hợp bảo đảm ngầm định bị hạn chế hoặc loại trừ một cách rõ ràng bởi hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt hại gây ra là thương tích về thân thể, Luật mẫu về thương mại của Hoa Kỳ không cho phép bất kỳ sự hạn chế hay loại trừ trách nhiệm nào trong hợp đồng. Những hạn chế và loại trừ như vậy đều đương nhiên vô hiệu (Điều 2-719 (3)). Trong thực tiễn toà án Mỹ liên quan đến trách nhiệm sản phẩm, người tiêu dùng ít sử dụng nghĩa vụ đảm bảo để làm cơ sở khởi kiện. Lý do là để áp đặt trách nhiệm trên cơ sở nghĩa vụ đảm bảo, cần phải chứng minh bản chất mối quan hệ giữa người bán, người cung ứng và người mua. Việc chứng minh mối liên hệ này không đơn giản. Hơn nữa, mức bồi thường được chấp nhận trong các vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng thường thấp hơn mức bồi thường có được nếu khởi kiện trách nhiệm sản phẩm dựa trên những cơ sở khác.

Sự bất cẩn là học thuyết gắn với việc xem xét hành vi của con người. Bất cẩn được hiểu một cách đơn giản là hành động sai được đánh giá dựa trên quan niệm chung về sự hợp lý hay không hợp lý. Nếu một hành vi được coi là không hợp lý thì người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm về thiệt hại mình đã gây ra. Nếu hành vi của một người là hợp lý thì người đó sẽ không phải chịu trách nhiệm, kể cả khi hành vi đó dẫn đến thiệt hại. Một hành vi được coi là hợp lý khi người có hành vi đó đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết tương xứng với mức độ hậu quả được đo lường từ trước. Trong trường hợp biện pháp phòng ngừa thấp hơn mức độ hậu quả có thể xảy ra thì hành vi đó sẽ bị coi là bất cẩn.

Trong việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, bất cẩn được coi là một cơ sở quan trọng. Sự bất cẩn (tắc trách) là việc nhà sản xuất không quan tâm ở mức độ cần thiết, tức là mức độ mà một nhà sản xuất hay cung ứng bình thường cần có khi sản xuất hay cung ứng sản phẩm của mình ở trong điều kiện và hoàn cảnh tại thời điểm sản xuất. Để xác định việc nhà sản xuất, cung ứng có bất cẩn hay không, cần phải chứng minh được sự hiểu biết của bên gây thiệt hại về khả năng xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự thiếu hiểu biết nào cũng tạo ra được cơ sở để miễn trách nhiệm. Công thức: biết và cần phải biết luôn được áp dụng ở đây. Ví dụ, nếu nhà sản xuất sữa sử dụng nguyên liệu từ những vùng bị dịch thì phải biết rằng sản phẩm của mình có thể tác động xấu đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Điểm quan trọng khác khi xác định trách nhiệm do bất cẩn là sự tồn tại của nghĩa vụ quan tâm của người gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại. Bên bị thiệt hại phải chứng minh được là giữa hai bên có một liên hệ về nghĩa vụ quan tâm. Hai người không có mối liên hệ nào với nhau thì không thể phát sinh nghĩa vụ. Mối liên hệ nghĩa vụ này phát sinh căn cứ vào các tình huống cụ thể.

Điểm quan trọng khác khi xác định trách nhiệm sản phẩm đó chính là việc người có sản phẩm vi phạm nghĩa vụ quan tâm đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng sản phẩm. Người bị thiệt hại phải chứng minh được là người bán sản phẩm đã vi phạm nghĩa vụ của mình và chính sự vi phạm này đã làm phát sinh thiệt hại. Trong chừng mực nhất định có thể áp dụng tương tự mối quan hệ nhân quả được sử dụng rộng rãi trong các nước theo truyền thống luật dân sự khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tóm lại, để có cơ sở cho việc khởi kiện dựa trên sự bất cẩn từ phía người sản xuất, người bị hại phải chứng minh được: (1) Nghĩa vụ của người sản xuất; (2) Sự vi phạm nghĩa vụ đó; (3) Thiệt hại; (4) Mối liên hệ giữa vi phạm đó với thiệt hại. Học thuyết về sự bất cẩn là căn cứ để người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất khi nhà sản xuất có lỗi.

Học thuyết về sự bất cẩn đặt gánh nặng chứng minh lên người tiêu dùng. Nếu một sản phẩm có lỗi thiết kế và gây ra thương tích cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chứng minh rằng hành vi của nhà sản xuất khi thiết kế ra sản phẩm là không hợp lý. Đương nhiên, thông tin về việc nhà sản xuất thiết kế sản phẩm như thế nào lại nằm trong tay của nhà sản xuất, vì vậy rất khó cho người tiêu dùng để có thể có các thông tin này. Chính sự bất cập trong thực hiện trách nhiệm chứng minh đã đưa đến việc hình thành học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt – một học thuyết đang có xu hướng chiếm ưu thế trong việc vận dụng chế định trách nhiệm sản phẩm ở các quốc gia.

Học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt. Khái niệm trách nhiệm nghiêm ngặt (trách nhiệm không dựa trên yếu tố lỗi) xuất phát từ Hoa Kỳ[15], sau đó phát triển ở châu Âu. Tuy nhiên, nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt không được áp dụng cho tất cả các trường hợp sản phẩm có khuyết tật gây thiệt hại mà có những ngoại lệ nhất định. Theo Paul Burrows, những ngoại lệ này có được là do quyền lực vận động ngoài hành lang của các nhà sản xuất hơn là sự thiếu năng lực của các nhà lập pháp trong quá trình soạn thảo và thông qua quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm[16]. Về cơ bản, học thuyết trách nhiệm nghiêm ngặt không quan tâm đến hành vi của các bên mà chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm gây ra thiệt hại. Người tiêu dùng không còn bị buộc phải chứng minh hành vi của nhà sản xuất khi thiết kế sản phẩm là không hợp lý mà chỉ cần chỉ ra rằng bản thân sản phẩm là có khuyết tật. Để yêu cầu trách nhiệm nghiêm ngặt, người tiêu dùng phải chứng minh ba yếu tố cơ bản: (i) nguyên nhân, (ii) thiệt hại và (iii) khuyết tật.

Nguyên nhân và thiệt hại được chứng minh giống như trường hợp áp dụng học thuyết về sự bất cẩn và vì vậy, sự khác biệt sẽ thể hiện ở chứng minh về khuyết tật. Để xác định khuyết tật, có bảy yếu tố có thể được phân tích: 1) tính hữu ích của sản phẩm, 2) sự tồn tại của các sản phẩm đáp ứng cùng một nhu cầu nhưng an toàn hơn, 3) khả năng xảy ra thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, 4) mức độ rõ ràng của mối nguy hiểm, 5) khả năng nhìn thấy nguy hiểm của công chúng, 6) khả năng người sử dụng tránh được nguy hiểm bằng sự cẩn trọng, có tính đến cả tác dụng của các hướng dẫn và cảnh báo, 7) khả năng loại trừ các mối nguy hiểm của sản phẩm bởi người sản xuất hoặc người bán mà không làm cho sản phẩm mất đi tác dụng hoặc làm tăng giá thành của sản phẩm một cách quá mức.

Đối với các sản phẩm có thiết kế lý tưởng thì các khuyết tật được loại trừ. Trong trường hợp khuyết tật không được loại trừ, người ta có thể đưa ra các biện pháp để khắc phục trong chính sản phẩm. Còn trong trường hợp không thể khắc phục thì biện pháp cuối cùng cần được thực hiện là cảnh báo cho người sử dụng về nguy cơ của rủi ro mà sản phẩm có thể mang lại. Khi không có biện pháp nào trong số các biện pháp nêu trên được áp dụng thì sản phẩm sẽ được coi là có khuyết tật và người sản xuất hay bán hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại và khuyết tật đó gây ra cho người tiêu dùng. Phân tích việc thu hồi hàng triệu ô tô của Toyota trong mấy tháng đầu năm 2010 có thể cho chúng ta thấy rõ bản chất của trách nhiệm sản phẩm. Toyota đã sản xuất ô tô và tiêu thụ với số lượng lớn, dưới nhiều chủng loại trên khắp thế giới. Tính đến thời điểm thu hồi, các sự cố xảy ra với xe ô tô của hãng này so với số lượng ô tô là chưa nhiều. Thực tế, là Toyota cũng chưa đối mặt với những vụ kiện lớn về thiệt hại do việc sử dụng ô tô của hãng gây ra đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, Toyota buộc phải tuyên bố thu hồi xe vì có những chi tiết kỹ thuật đã không đáp ứng được yêu cầu an toàn. Ví dụ, như thảm sàn ép chân ga khiến ô tô chạy với tốc độ ngoài sự kiểm soát; lỗi dính chân ga hoặc khung xe có hiện tượng bị ăn mòn. Mỗi dòng xe bị vấp một trong những lỗi kỹ thuật như vậy và đây là điều mà nhà thiết kế, sản xuất ô tô phải nhận thấy. Bỏ qua những sự kiện này chính là sự bất cẩn. Toyota sẽ đối mặt với những thiệt hại lớn hơn nếu không thu hồi xe và khắc phục các lỗi kỹ thuật như vậy.

Có thể nhận thấy nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt nên được áp dụng thay cho trách nhiệm dựa trên yếu tố lỗi nhằm bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn vì nó giúp người bị thiệt hại giảm gánh nặng chứng minh. Nhiều người, đặc biệt là người nghèo thậm chí còn không biết rằng họ bị thiệt hại là do lỗi của người khác vì họ thiếu thông tin về những rủi ro và nguy hiểm[17]. Đôi khi, họ có thể biết rằng mình đang gánh chịu thiệt hại, nhưng họ không biết vì sao. Thực tế chỉ có một số ít người là nạn nhân của những trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến sản phẩm kiện đòi bồi thường thiệt hại bởi vì họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh lỗi cũng như xác định mối quan hệ nhân – quả[18]. Thêm nữa, người tiêu dùng chỉ có thể được bảo vệ một cách đầy đủ, thống nhất khi họ không phải chứng minh những yếu tố lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất, mà họ được giả định là không biết và gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn biết được điều đó[19]. Bên cạnh đó, nếu áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt, người tiêu dùng phải sẽ không phải gánh chịu hậu quả giá thành của sản phẩm cao do nhà sản xuất chi trả phí bảo hiểm cho những sản phẩm của họ. Nếu nhà sản xuất đưa ra thị trường những hàng hóa không bị khuyết tật, thì họ sẽ không bị kiện liên quan đến trách nhiệm sản phẩm và họ có thể thương lượng mức phí bảo hiểm thấp. Điều đó dẫn đến giá thành của sản phẩm cũng thấp. Hơn nữa, việc áp dụng trách nhiệm sản phẩm cũng góp phần làm cho các nhà sản xuất cẩn thận hơn, có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm của mình. Các nhà sản xuất phải luôn ý thức rằng họ đang kinh doanh trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu họ không đưa ra những chính sách giá cả hợp lý, công ty của họ chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường, các nhà sản xuất sản phẩm cùng loại thường tính chi phí cho sản phẩm như nhau bao gồm cả chi phí bồi thường thiệt hại dự đoán hay phí bảo hiểm[20]. Vì vậy, việc cạnh tranh giữa họ không bị ảnh hưởng[21]. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải khôn ngoan để không phải trả giá cao cho những sản phẩm có nguy cơ rủi ro cao.

Việc lựa chọn học thuyết về sự bất cẩn hay học thuyết về trách nhiệm nghiêm ngặt cũng là yếu tố cơ bản làm nên sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật về trách nhiệm sản phẩm trên thế giới.

3. Khái quát quy định về trách nhiệm sản phẩm trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010

Có thể nhận thấy ở giai đoạn trước năm 2010, mặc dù đã có những yếu tố nội dung nền tảng nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự định hình chính thức chế định trách nhiệm sản phẩm (chưa quy định rõ khái niệm trách nhiệm sản phẩm, sản phẩm khuyết tật, nguyên tắc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, thu hồi sản phẩm có khuyết tật…). Điều này đã dẫn đến thực tế các vi phạm về trách nhiệm sản phẩm không có đủ cơ sở để xử lý, áp đặt trách nhiệm cho các doanh nghiệp.

Đứng trước yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh mới, căn cứ Nghị quyết số 27/2008/NQ-QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công thương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các thành viên là đại diện của các cơ quan, Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội; tổ chức đánh giá tác động kinh tế xã hội; lấy ý kiến công chúng, chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tượng chịu tác động của dự án Luật. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố tại Lệnh số 16/2010/L-CTN ngày 30 tháng 11 năm 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011). Một điều đáng quan tâm là Luật này đã có những quy định liên quan đến trách nhiệm sản phẩm (khoản 3 điều 3, điều 22, 23, 24). Thực tế, trong quá trình soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ở những dự thảo đầu tiên thì chế định trách nhiệm được thiết kế thành một mục riêng. Tuy nhiên, đến dự thảo cuối cùng được thông qua thì các quy định về trách nhiệm sản phẩm lại khá rải rác, chưa hình thành nên chế định trách nhiệm sản phẩm một cách riêng biệt.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã xác định khái niệm hàng hóa có khuyết tật, theo đó khái niệm này được hiểu là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: (i) Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; (ii) Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; (iii) Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng. Như vậy, có thể thấy hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ áp dụng trách nhiệm sản phẩm đối với hàng hóa, không áp dụng đối với dịch vụ. Bên cạnh đó, các dạng hàng hóa khuyết tật được xác định là phù hợp với pháp luật của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, Luật cũng dành 3 điều tại Chương II để quy định về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật (điều 22), trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật (điều 23) và miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra (điều 24). Cụ thể các quy định này như sau:

– Về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật:

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông (với các nội dung: mô tả hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa); thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi và nếu trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.

– Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 24 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa ở đây được hiểu bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định. Bên cạnh đó, Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

– Về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường liên quan đến hàng hóa có khuyết tật và trách nhiệm chứng minh này do tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện.

Đánh giá một cách toàn diện quy định tại 3 điều luật nói trên cho thấy các vấn đề được đưa ra trong Luật đã có sự chi tiết và phù hợp nhất định với pháp luật của các quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh đó, một điểm sáng và tiến bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là việc ghi nhận nguyên lí trách nhiệm nghiêm ngặt tại khoản 1 điều 23 (“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại…kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật…”). So với nhiều nước trong khu vực và thế giới, việc thừa nhận nguyên tắc này được xem là một bước tiến tích cực trong nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam thời gian qua. Tuy vậy, Luật cũng chưa có quy định cách thức để xác định hàng hóa có khuyết tật, số lượng trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường đối với hậu quả do khuyết tật của hàng hóa gây ra còn quá ít ỏi.

Ngoài các quy định mới về trách nhiệm sản phẩm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì các quy định khác trong các văn bản pháp luật khác (Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Điện lực năm 2004, Luật Dược năm 2005, Luật An toàn thực phẩm năm 2010,…) đến nay vẫn còn hiệu lực. Chính điều này đã tạo nên một khung pháp lý khá đa dạng liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, những cơ sở này vẫn là chưa đầy đủ, chưa định hình một chế định trách nhiệm sản phẩm độc lập và hiệu lực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng còn rất yếu. Thực tế này đã đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống pháp luật nước ta trong thời gian tới./.


* Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp.

[1] Nguồn: Website Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ):

http://portal.tcvn.vn/default.asp?action=category&ID=1

1 Khoản 1, điều 3, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007.

2 Nguyên văn trích Luật trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản số 85/1994: “the term “product” means movable property manufactured or processed”.

3 Nguyên văn trích Chỉ thị số 34/1999 về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu: “product” means all movables even if incorporated into another movable or into an immovable. “Product” includes electricity.

[2] Theo điều 2 điểm 2 luật Trách nhiệm sản phẩm của Cộng hòa Liên bang Đức (produkthaftungsgetz sửa đổi 2002).

[3] TS. Tăng Văn Nghĩa (2008), “Bàn về Luật trách nhiệm sản phẩm trong kinh doanh quốc tế”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (2), tr. 41-49.

[4] Bryan A. Garner editor, (2004), “Black’s Law Dictionary 8th edition, West Group.

[5] Nguyên bản tiếng Anh là “a product unreasonably dangerous for normal use, as when it is not for its intended purpose, inadequate instructions are provided for its use. Or it is inherently dangerous in its design or manufacture”.

[6] Các vụ tranh chấp về trách nhiệm sản phẩm có liên quan đến trường hợp khuyết tật trong thiết kế ngày nay xảy ra tương đối phổ biến chẳng hạn, các tác dụng phụ gây nguy hiểm của vacxin, các loại dược phẩm khác, các loại vải dễ cháy, rồi các vụ tranh chấp về dụng cụ, thiết bị điện tử gây nguy hại.. Nói chung, khuyết tật trong thiết kế có thể xảy ra trong nhiều trường hợp mà việc thiết kế sản phẩm làm cho nó trở nên nguy hiểm một cách bất hợp lý và gây tai nạn cho người tiêu dung theo cách thức thông thường. Việc đánh giá những nguy hiểm do lỗi thiết kế của sản phẩm trong nhiều trường hợp là tương đối phức tạp

[7] Hiện nay, để tránh trách nhiệm sản phẩm do khuyết tật này, các nhà sản xuất, nhà cung ứng đều đưa ra lời cảnh báo, hướng dẫn sử dụng chi tiết sản phẩm. chẳng hạn như đối với thuốc chữa bệnh, đều có dòng chữ: “để xa tầm tay trẻ em”, với thuốc lá: “hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”…Một trong những vụ kiện điển hình về trách nhiệm sản phẩm dựa trên khuyết tật sản phẩm do không cảnh báo sự nguy hiểm là vụ kiện nhũng người hút thuốc lá khởi kiện công ty sản xuất thuốc lá Malborro vì cho rằng mình đã không được cảnh báo sự nguy hiểm do hút thuốc nên đã dẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi. tòa án phán quyết phần thắng về các nguyên đơn. Sau vụ kiện này, các hãng thuốc lá đều đưa ra lời cảnh báo về sự nguy hiểm cho sức khỏe trên vỏ bao thuốc.

[8] Thời hạn này được hiểu là thời hạn đảm bảo những yêu cầu về độ an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng, thời hạn này được tính từ thời điểm người sản xuất giao mặt hàng đó hoặc từ khi sản phẩm đó được chuyển đến tay người tiêu dùng cùng với những yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm

[9] Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng, Bản dịch tài liệu “The United Nations Guidelines on Consumer Protection (as expanded in 1999) của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) để tham khảo.

[10] Chỉ thị (Directive) là một hình thức của pháp luật của Cộng đồng châu Âu, chỉ thị có hiệu lực đối với các nước thành viên. Để các quy định của Chỉ thị được thi hành, các nước thành viên sẽ nội luật hóa các quy định của bản chỉ thị băng cách sửa đổi pháp luật của nước mình cho phù hợp với các quy định của bản chỉ thị của cộng đồng. Chỉ thị được phân biệt với Nghị định (regulation), có thể áp dụng trực tiếp mà không cần phải trải qua giai đoạn nội luật hóa.

[11] Council Directive 85/374/EEC of 25 July 1985 on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products: Bản chỉ thị của Cộng đồng số 85/374/EEC về áp dụng pháp luật, nghị định và quy định hành chính của các nước thành viên liên quan đến trách nhiệm sản phẩm nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật.

[12] http://legal-dictionary.thefreedictionary.com/Product+Liability

[13] Một số ví dụ về các tình huống làm phát sinh trách nhiệm này có thể kể đến như phanh xe bị lỗi khiến người điều khiển không điều khiển được xe và bị tai nạn; thức ăn cho trẻ em bị nhiễm bẩn gây ngộ độc; bia chai gây nổ gây ra thương tích cho người mở bia; ổn áp không hoạt động được làm hỏng thiết bị điện; không có cảnh báo cần thiết về tác dụng tương tác của thuốc khiến người uống thuốc bị phản ứng phụ…

[14] Xem thêm nội dung các học thuyết này tại các tài liệu: Lê Hồng Hạnh, Trương Hồng Quang (2010), Các nguyên lý cơ bản của chế định trách nhiệm sản phẩm tại Hoa Kỳ và một số quốc gia trên thế giới, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2010, tr. 35-42 và Trần Thị Quang Hồng, Trương Hồng Quang (2010), Một số vấn đề chung về chế định trách nhiệm sản phẩm và vai trò của chế định này dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2010, tr. 25-34.

[15] Phillips, Jerry J. (2003), Products Liability in a Nut Shell, 6th edn, West, p. 48.

[16] Product liability and the control of product risk in the European Community, in Oxford Review of Economic Policy. Vol 10, No. 1, p. 68-83, p. 73.

[17] Phạm Thị Phương Anh, Trách nhiệm nghiêm ngặt và miễn, giảm trách nhiệm trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Văn phòng Quốc hội, số 10 (tháng 5/2010), tr. 26-33.

[18] Head, Michael & Mann, Scott, Law in perspective: ethics, society and critical thinking, UNSW, Sydney, 2005, p. 302.

[19] Havemann, Michael Christiani, “The EC Directive on Product Liability: Its Background, Aims and System”, in R. Hulsenbek & D. Campbell (eds), Product liability: prevention, practice and process in Europe and the United States, Kluwer, Deventer, 1989, p. 19.

[20] Xem thêm Trần Vũ Nghi và Nguyễn Hằng (2006), Làm ăn lớn phải có bảo hiểm, http://vietbao.vn/Kinh-te/Lam-an-lon-phai-co-bao-hiem/40168842/87/, ngày 25 tháng 10 năm 2006.

[21] Havemann, Michael Christiani, tlđd .

Explore posts in the same categories: Bài nghiên cứu nhỏ, Bài đăng Tạp chí chuyên ngành, Luật Thương mại - Doanh nghiệp, Pháp luật Kinh tế

2 bình luận trên “MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHẾ ĐỊNH TRÁCH NHIỆM SẢN PHẨM”

  1. Võ Ngọc Thiên Hào Says:

    Chào anh, anh cho em hỏi bài viết này có được đăng trên Tạp chí nào không anh? Em đang cần dẫn nguồn bài viết của anh để thực hiện bài viết của mình. Cảm ơn anh


    • Chào em. Xin lỗi vì đọc hơi muộn.
      Nếu cần một bài viết đăng tạp chí, em có thể tham khảo thêm bài viết: Trần Thị Quang Hồng, Trương Hồng Quang (2010), Một số vấn đề chung về chế định trách nhiệm sản phẩm và vai trò của chế định này dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2010, tr. 25-34.


Bình luận về bài viết này