[CHÍNH THỨC XUẤT BẢN cuốn sách “QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH, SONG TÍNH, CHUYỂN GIỚI VÀ LIÊN GIỚI TÍNH TẠI VIỆT NAM – TỪ NHẬN THỨC ĐẾN THỰC TIỄN”]

Đã đăng Tháng Chín 23, 2022 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

[CHÍNH THỨC XUẤT BẢN cuốn sách “QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH, SONG TÍNH, CHUYỂN GIỚI VÀ LIÊN GIỚI TÍNH TẠI VIỆT NAM – TỪ NHẬN THỨC ĐẾN THỰC TIỄN”]

Chào mọi người,

Có thể xem cuốn này là ấn phẩm tổng kết hơn 10 năm nghiên cứu về quyền của nhóm yếu thế nói chung và nhóm LGBTI nói riêng của mình. Trong thời gian qua, mình đã có một số nghiên cứu công bố trên các tạp chí, sách, chuyên đề hội thảo liên quan đến pháp luật về quyền của nhóm LGBTI (trong đó có 03 cuốn sách xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật vào các năm 2013, 2014, 2017). Quá trình nghiên cứu cũng được tiếp cận, tiếp thu nhiều công trình với nhiều góc độ khác nhau (luật học, xã hội học, giáo dục…), đặc biệt là các khảo sát, đánh giá về thực trạng người LGBTI tại Việt Nam của iSEE và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Với ấn phẩm lần này, trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Tư pháp và anh Duong Quach đã ủng hộ để cuốn sách có thể được xuất bản và phát hành. Mình hy vọng cuốn sách sẽ đến được nhiều địa chỉ cần, hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị nhân văn, giá trị xã hội của cuốn sách.

Với mình, đây không chỉ là một ấn phẩm nghiên cứu mà còn là một tiếng nói đóng góp vào tiến trình nỗ lực hợp pháp hóa những “nhu cầu tự nhiên” ở nước ta!

Cảm ơn mọi người nhiều! ^^

——-

Nếu mọi người quan tâm có thể tiếp cận cuốn sách qua các cách sau (đều được giảm 35% và miễn phí ship toàn quốc^^):

1. Tải apps Nhà xuất bản Tư pháp, đăng ký (rất nhanh gọn với tên và pass) rồi order. Ngoài ra còn có rất nhiều đầu sách hữu ích khác nên việc đăng ký apps sẽ rất tiện ạ ^^

2. Order qua link: https://docs.google.com/…/1FAIpQLSfBTGfqdVM…/viewform…

Quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính tại Việt Nam – Từ nhận thức đến thực tiễn

Đã đăng Tháng Chín 13, 2022 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

Chào mọi người,

Cuốn sách “Quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính tại Việt Nam: Từ nhận thức đến thực tiễn” sẽ được chính thức xuất bản trong tháng 9 này. Đây là kết quả quá trình mình nghiên cứu về quyền của nhóm yếu thế tại Việt Nam (từ năm 2010 đến nay). Trong quá trình nghiên cứu, mình cũng đã được tiếp cận rất nhiều kết quả nghiên cứu có liên quan dưới nhiều góc độ khác nhau (xã hội, giới, pháp luật…).

Tại Việt Nam, người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) là đối tượng ngày càng được giới khoa học quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây. Trong lĩnh vực khoa học pháp lý, dư địa nghiên cứu về quyền và pháp luật về quyền của các đối tượng này còn khá nhiều. Tuy nhiên, pháp luật về quyền của người LGBTI tại Việt Nam còn những khoảng trống nhất định.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nhấn mạnh “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Những quy định này của Hiến pháp năm 2013 đặt ra nhiều yêu cầu đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người nói chung và quyền của người LGBTI nói riêng. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực liên quan đến quyền của các đối tượng này như: dân sự, chuyển đổi giới tính, hình sự, hôn nhân và gia đình, lao động, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trợ giúp pháp lý, tiếp cận pháp luật, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, tố tụng hình sự…

Đây là một chủ đề vừa hẹp vừa rộng. Đối tượng nghiên cứu là những nhóm thiểu số về tính dục và bản dạng giới nhưng liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Mình tin rằng đây sẽ là một cuốn sách có nhiều ý nghĩa. Mình rất hy vọng mọi người sẽ giúp mình để lan tỏa cuốn sách này đến cộng đồng và xã hội. Thông tin cụ thể mọi người có thể liên hệ với mình nhé ^^

Thân mến,

#lgbt#lgbti#hr

LGBTI LEGAL RIGHTS IN VIETNAM: RECENT DEVELOPMENT AND PERSPECTIVE

Đã đăng Tháng Mười 4, 2021 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Bài đăng Tạp chí chuyên ngành, Human Rights, LGBT, Luật Dân sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật Hiến pháp, Pháp luật Dân sự, Pháp luật hành chính Nhà nước

Để quyền thực sự là quyền

Đã đăng Tháng Một 29, 2021 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Bài đăng Tạp chí chuyên ngành

TS. TRƯƠNG HỒNG QUANG

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số vấn đề trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật về quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để quyền thực sự là quyền.

Từ khóa: Chuyển đổi giới tính, tiếp cận thông tin, quyền con người, quyền công dân, hạn chế quyền, hiến pháp.

Abstract: This article provides an analysis of some issues in the process of developing and enforcing legal regulations on human rights and citizen rights in Vietnam. It is also based on the practices, the author proposes a number of recommendations for this issue so that the right becomes truly it is. 

Keywords: Gender reassignment, access to information, human rights, citizen rights, restriction of rights, constitution.

Bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước và là một đặc tính quan trọng của Nhà nước pháp quyền[1]. Tuy vậy, không phải bao giờ quá trình xây dựng, thi hành pháp luật về quyền con người, quyền công dân (sau đây gọi là quyền) cũng đáp ứng được kỳ vọng. Thực tế cho thấy, còn có tình trạng như “treo quyền”, quyền đã được hiến định và thể chế hóa nhưng chưa đủ cơ sở thực thi hoặc pháp luật về quyền còn nặng về tính quản lý, … Việc đánh giá, tìm ra các nguyên nhân của tình trạng này đóng vai trò rất quan trọng để bổ sung, phát triển cơ chế bảo vệ quyền hiện nay.

1. Hiện tượng “treo quyền”

Hiện nay, một số quyền hiến định chưa được luật hóa hoặc đang được điều chỉnh bởi  văn bản có hiệu lực pháp lý thấp. Cụ thể, một số quyền như: quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền được sống trong môi trường trong lành… chưa được cụ thể hóa đầy đủ bằng văn bản luật. Một số quyền được điều chỉnh bởi nghị định, thông tư. Ví dụ, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (có nội hàm của quyền lập hội),… Khoảng trống trong quy định của pháp luật về quyền gây ảnh hưởng đến việc tiếp cập, thực hiện các quyền của công dân.

Khi phân tích quyền chuyển đổi giới tính sẽ cho thấy tình trạng “treo quyền” thực sự khá lo ngại. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính (mặc dù đã được đề cập trong quá trình soạn thảo)[2]. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi giới tính là nhu cầu chính đáng của người chuyển giới[3]. Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận vấn đề chuyển đổi giới tính trong phần Quyền nhân thân (Điều 37): “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan“. 

Tuy nhiên, có hai vấn đề cần quan tâm liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính:

Thứ nhất, quy định về chuyển đổi giới tính tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn điểm “vênh” so với các quyền nhân thân khác. Tên các điều về quyền nhân thân khác đều được thiết kế theo cấu trúc “Điều…. Quyền….” nhưng tên Điều 37 chỉ được thiết kế với nội dung “Điều 37. Chuyển đổi giới tính”.

Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về quyền này.

Theo Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Y tế được giao “nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính” (mục II.4b), thực hiện trong năm 2016 và năm 2017. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã lập đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 12/2017. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 10/BC-BTP ngày 15/01/2018 gửi Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ. Ngày 19/7/2018, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2639/BTP-PLDSKT gửi Bộ Y tế đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đảm bảo hiệu quả triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, phải đến năm 2020, Bộ Y tế mới trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo Báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố năm 2017[4], trong số 408 người chuyển giới tham gia khảo sát thì có 56,8% dự định ra nước ngoài làm phẫu thuật; 13% dự định làm tại các cơ sở y tế và bệnh viện tư trong nước; chỉ có 8,6% dự định phẫu thuật ở các cơ sở y tế/bệnh viện công trong nước; 157 người (chiếm 38,5%) chưa phẫu thuật nhưng đang sử dụng hoc-môn; 35 người (chiếm 8,6%) đã từng trải qua ít nhất một lần phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Trong số 35 người này, 40% đã ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật; 37,1% thực hiện tại các cơ sở tư nhân trong nước; 69,4% được khám đánh giá một cách toàn diện trước khi phẫu thuật; 28,6% được khám đánh giá tuy nhiên chưa được làm đầy đủ, thoả đáng theo như họ mong muốn; 2% cho biết không được khám đánh giá trước phẫu thuật; 14,3% không nhận được chăm sóc và tư vấn hậu phẫu, 25,7% có nhận được dịch vụ này nhưng không cảm thấy hài lòng; 60% cho biết họ nhận được khám và tư vấn tâm lý đầy đủ sau phẫu thuật; 71,4% cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tuỳ thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ; 14,3% nhận thấy sức khỏe giảm sút sau khi phẫu thuật. Với chi phí can thiệp y học rất cao, nhiều người đã tìm đến các dịch vụ chui giá thấp và chính họ gặp không ít rủi ro. Có thể thấy, việc chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ về chuyển đổi giới tính đã dẫn đến quyền chuyển đổi giới tính đang bị “treo” và nhiều người chuyển giới đã phẫu thuật trước đây vẫn tiếp tục sống trong tình trạng giấy tờ nhân thân khác với cơ thể hiện tại, vẫn có thể bị xâm phạm tình dục nhưng chưa được bảo vệ thích đáng, gặp khó khăn trong việc thực hiện một số thủ tục hành chính/dịch vụ công[5]

2. Quyền được hiến định và thể chế hóa nhưng chưa đủ cơ sở thực thi

Thực tiễn lập hiến và lập pháp của Việt Nam cho thấy, đôi khi nguyên tắc về quyền và một quyền cụ thể đã được hiến định và thể chế hóa nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để thực thi trong thực tế; ví dụ, vấn đề hạn chế quyền liên quan đến quyền tiếp cận thông tin.

Trước hết, hạn chế quyền là việc cho phép nhà nước áp đặt điều kiện hay hạn chế với việc thực hiện/hưởng thụ một số quyền con người, quyền công dân nhất định nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng[6]. Vấn đề này được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế và Hiến pháp ở nhiều quốc gia dưới những hình thức diễn đạt khác nhau và với mức độ khác nhau. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi là phần lớn các quyền con người mang tính tương đối (relative right)[7] nên có thể bị hạn chế. Sự hạn chế quyền là hiện tượng bình thường và phổ biến ở mọi quốc gia[8].

Trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, với Hiến pháp năm 2013, đây là lần đầu tiên nguyên tắc chung về hạn chế quyền được hiến định. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác“. Những quy định này được đánh giá là một điểm sáng của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định. Có thể nhận thấy, Hiến pháp năm 2013 đã xác lập một nguyên tắc chung về hạn chế quyền[9]. Việc hạn chế việc thực hiện quyền chính là điều kiện để bảo đảm tính hiện thực của các quyền con người, quyền công dân. Quy định này nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế quyền chỉ được đặt ra khi có lý do khách quan, hợp pháp và hợp lý, trên cơ sở có sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận của chủ thể có thẩm quyền. Như vậy, quy định về nguyên tắc hạn chế quyền đã góp phần bổ sung cho hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

Tuy vậy, nguyên tắc hạn chế quyền nêu trên còn khá nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, bổ sung, phát triển cả về cơ sở pháp lý và trong thi hành pháp luật. Nội dung nguyên tắc hạn chế quyền tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 vẫn chưa được giải thích, minh định rõ về trường hợp cần thiết hạn chế quyền. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016[10] nhắc lại quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác (khoản 4, 5 Điều 3). Ở đây cho thấy, Luật chưa làm rõ được cụ thể lý do/mục đích hạn chế quyền tiếp cận thông tin. Điều này dẫn đến các cách giải thích khác nhau, không thống nhất trong thực tế. Ví dụ, thông tin về đại dịch bệnh truyền nhiễm rõ ràng liên quan đến sức khỏe cộng đồng nhưng cơ quan nhà nước chưa muốn công bố sớm vì sợ sẽ gây mất trật tự trong xã hội, gây hoang mang cho người dân. Vậy, trong trường hợp này thông tin có nên được công bố sớm hay không? Làm cách nào để xác định được một biện pháp nào là cần thiết hơn và chính đáng hơn? 

Bên cạnh đó, một số quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin chưa có cơ sở bảo đảm thi hành trong thực tiễn. Ví dụ, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định vấn đề thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện như sau:

“1. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

2. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Tuy nhiên, thế nào là bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng… cho đến nay vẫn là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Nếu không làm rõ được những câu hỏi này, quyền của các chủ thể sở hữu các bí mật nêu trên sẽ bị hạn chế một cách không rõ ràng ngay từ cơ sở pháp lý. Do đó, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin sẽ khó đi vào đời sống xã hội.

3. Các điều kiện, thủ tục, quy trình thực hiện quyền còn nặng về quản lý nhà nước

Điểm d, khoản 2 Điều 24 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định người yêu cầu phải cung cấp lý do, mục đích cung cấp thông tin. Có thể thấy rằng, quy định này còn nặng về quản lý, chưa tiếp cận được dưới góc độ quyền con người, quyền công dân. Nếu thông tin đó là thông tin được phép cung cấp thì lý do, mục đích của việc sử dụng thông tin không còn quan trọng. Pháp luật quốc tế và pháp luật ở các nước trên thế giới không buộc người yêu cầu phải nêu lý do, mục đích của việc sử dụng thông tin. Trong quá trình soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, qua các bản Dự thảo Luật cho thấy sự thay đổi về nội dung quy định này:[11]

– Dự thảo Luật đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp không có quy định này.

– Điểm d khoản 2 Điều 17 Dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 40, Quốc hội khóa XIII, tháng 8/2015 quy định văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải có lý do yêu cầu cung cấp thông tin và mục đích sử dụng thông tin đối với thông tin quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này (thông tin về các hoạt động nội bộ; hồ sơ, tài liệu nội bộ của các cơ quan nhà nước; thông tin đang trong quá trình giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, nếu việc cung cấp là cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba);

– Điểm d khoản 2 Điều 20 của dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII quy định văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải có lý do yêu cầu cung cấp thông tin và mục đích sử dụng thông tin đối với thông tin quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này (thông tin liên quan đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của công dân nhưng không thuộc loại thông tin phải được công khai theo quy định tại Điều 14 của Luật này).

– Các dự thảo về sau đến lúc được Quốc hội thông qua quy định nội dung văn bản yêu cầu cung cấp thông tin cần có lý do yêu cầu cung cấp thông tin, mục đích sử dụng thông tin đối với tất cả các loại thông tin (lý do hoặc cả lý do và mục đích sử dụng thông tin).

Chúng tôi cho rằng, nội dung quy định của điểm d, khoản 2 Điều 24 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 như vậy chưa thể hiện đúng nguyên tắc hạn chế quyền được quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Điều này có thể dẫn đến tình trạng hạn chế quyền tiếp cận thông tin một cách không chính đáng trên thực tế.

4. Khuyến nghị

Để bảo đảm cho quyền hiến định của con người, của công dân thực sự là quyền, chúng tôi để xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, soạn thảo, thông qua các luật cụ thể hóa các quyền đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền cũng như không bảo đảm tính hợp hiến, tôn trọng quyền trên thực tế.

Thứ hai, cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển trong xây dựng và thi hành pháp luật. Nếu việc xây dựng (và cả thi hành) pháp luật về quyền chỉ đơn thuần dựa trên nhu cầu quản lý thì mục đích của pháp luật chưa đạt được. Theo phương pháp tiếp cận dựa trên quyền (Human Rights-Based Approach), việc xây dựng, thi hành pháp luật cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:[12] (1) Coi việc hỗ trợ thực hiện, hưởng thụ các quyền con người là một mục tiêu cơ bản trong việc xây dựng, thi hành pháp luật; (2) Lấy các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người làm định hướng trong việc xây dựng, thi hành pháp luật; (3) Làm rõ những chủ thể của quyền, chủ thể có nghĩa vụ và các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có quyền, có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật. Nếu như đội ngũ cán bộ xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật… tiếp cận toàn diện với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền sẽ bảo đảm tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết giải thích một số quy định về quyền trong Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 14, khoản 4 Điều 15) để tạo cơ sở  cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, bảo đảm thực thi quyền hiến định trong thực tế./.


[1] Xem: Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Nguyễn Văn Hiển, Trương Hồng Quang (đồng chủ biên, 2019), Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, sách chuyên khảo, tái bản lần thứ nhất, có sửa đổi, bổ sung, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 7.

[2] Xem: Hồng Khánh (2006), Người chuyển đổi giới tính phải được thừa nhậnhttps://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh-phai-duoc-thua-nhan-2072247.html, ngày 27/10/2006.

[3] Xem: Trương Hồng Quang, Nguyễn Bích Loan, Vũ Hữu Trường Điền (2017), Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015: Phân tích – Đối chiếu, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 62-64.

[4] Xem nội dung của báo cáo tại địa chỉ: http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/Report_Need-experience-on-medical-intervention-of-Transgender-community-in-Vietnam-FINAL.pdf, truy cập ngày 01/5/2020.

[5] Xem: Trương Hồng Quang (2019), Quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính theo pháp luật Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.106.

[6] Xem: Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên, 2015), Giới hạn chính đáng đối với các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.29.

[7] Xem: Jack Donnelly, “The Relative Universality of Human Rights”, Human Rights Quarterly, Vol. 29, No. 2 (May, 2007), pp.281-306.

[8] Xem: Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Nguyễn Văn Hiển, Trương Hồng Quang (đồng chủ biên, 2019), Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, tlđd, tr.24.

[9] Có thể xem thêm về chủ đề này trong một số công bố của cùng tác giả: Trương Hồng Quang (2018), “Nhu cầu giải thích quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (3), tr.03-13; Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Nguyễn Văn Hiển, Trương Hồng Quang (đồng chủ biên, 2019), Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, tlđd.

[10] Luật này được chuẩn bị trong vòng 10 năm mới có thể thông qua và ban hành. Xem: Nguyễn Lê (2019), Tiếp cận thông tin: Có luật rồi nhưng dân vẫn phải “xin”http://vneconomy.vn/tiep-can-thong-tin-co-luat-roi-nhung-dan-van-phai-xin-20190327121828862.htm, ngày 27/3/2019.

[11] Xem các bản dự thảo tại địa chỉ:

[12] Xem: Đặng Minh Tuấn (2016), “Cách tiếp cận dựa trên quyền trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật”, in trong: Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương (đồng chủ biên), Tiếp cận dựa trên quyền con người: Lý luận và thực tiễn, sách chuyên khảo, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 67.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (413), tháng 7/2020.)

NHU CẦU GIẢI THÍCH QUY ĐỊNH VỀ HẠN CHẾ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013

Đã đăng Tháng Tư 17, 2020 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Bài đăng Tạp chí chuyên ngành, Human Rights, Luật Hiến pháp, Đề tài, công trình nghiên cứu các cấp

Trương Hồng Quang*, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 03/2018, tr. 03-13
Tóm tắt: Hạn chế quyền con người, quyền công dân là một quy định tiến bộ của Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Theo đó, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Bài viết phân tích một số vấn đề khi cụ thể hóa quy định này trong thực tế. Theo tác giả bài viết, quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân cần được giải thích cụ thể. Tác giả cũng đề xuất một số khuyến nghị cụ thể cho vấn đề này.
Từ khóa: hạn chế quyền; hiến pháp; quyền con người; quyền công dân.
1. Vấn đề hạn chế quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013
Trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, trước Hiến pháp năm 2013 thì chưa có một bản hiến pháp nào quy định về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân (sau đây gọi tắt là hạn chế quyền). Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1980 cũng có một quy định khá thú vị tại Điều 54: “Quyền và nghĩa vụ của công dân thể hiện chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, kết hợp hài hoà những yêu cầu của cuộc sống xã hội với tự do chân chính của cá nhân, bảo đảm sự nhất trí về lợi ích giữa Nhà nước, tập thể và cá nhân theo nguyên tắc mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người.” Với quy định này, việc thực hiện quyền phải kết hợp hài hòa với yêu cầu của cuộc sống xã hội với tự do chân chính của cá nhân. Có thể hiểu đây chính là tính cân bằng trong việc thực hiện quyền (và nếu không đáp ứng nguyên tắc này thì có thể bị hạn chế thực hiện quyền).
Với Hiến pháp năm 2013, đây là lần đầu tiên vấn đề hạn chế quyền được hiến định thành nguyên tắc. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 15 của Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác“. Những quy định này được đánh giá là một điểm sáng của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, từ nay không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định.
Có thể nhận thấy, Hiến pháp năm 2013 đã xác lập một nguyên tắc chung về hạn chế quyền. Việc hạn chế việc thực hiện quyền chính là điều kiện để bảo đảm tính hiện thực của các quyền con người, quyền công dân. Nó bảo đảm sự cân bằng giữa các lợi ích trong mối quan hệ Nhà nước – Con người, Công dân, Cá nhân; bảo đảm sự minh bạch và lành mạnh của các mối quan hệ này. Nhà nước với tư cách là tổ chức quyền lực công có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xét ở những khía cạnh cơ bản, quy định ở khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã tương thích với quy định của pháp luật quốc tế và các bản hiến pháp tiến bộ trên thế giới về nguyên tắc hạn chế quyền. Quy định này nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế quyền chỉ được đặt ra khi có lý do khách quan, hợp pháp và hợp lý, trên cơ sở có sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận của chủ thể có thẩm quyền. Như vậy, quy định về nguyên tắc hạn chế quyền đã góp phần bổ sung cho hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

Read the rest of this post »

Nội dung cơ bản của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin

Đã đăng Tháng Hai 2, 2016 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

  1. Một số vấn đề cơ bản về quyền tiếp cận thông tin, luật tiếp cận thông tin

1.1. Hiểu các thuật ngữ “quyền thông tin”, “quyền tiếp cận thông tin”, “quyền được thông tin” và “quyền tự do thông tin” như thế nào?

– Quyền được thông tin: nói đến khả năng tiếp nhận những thông tin do những cơ quan cung cấp dịch vụ công nắm giữ, nhằm mục đích thực hiện hoặc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền;

– Quyền tiếp cận thông tin (TCTT): mở rộng hơn đến khả năng chủ động tìm kiếm, tiếp cận và phổ biến thông tin do cơ quan cung cấp dịch vụ công nắm giữ;

– Quyền tự do thông tin: sự lưu thông của mọi loại thông tin bất kể chủ thể nắm giữ và có thể cho nhiều mục đích (giải trí, học thuật, chính trị, văn hóa,…).[1]

– Quyền thông tin: quyền bao hàm cả quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin. Quyền này cũng đã được quy định khá rõ trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”[2]. Hay Công ước quốc tế về Các quyền dân sự, chính trị năm 1966: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia… Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu tôn trọng những quyền tự do, thanh danh của người khác và an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”[3]. Như vậy, so quyền thông tin thì quyền TCTT hẹp hơn, nó chỉ bao gồm hoạt động tìm kiếm và tiếp nhận thông tin.

– Về mối quan hệ giữa quyền TCTT và quyền được thông tin, một số tác giả cho rằng, quyền TCTT nằm ngoài quyền được thông tin. Có quan điểm cho rằng, quyền TCTT thể hiện tính chủ động của chủ thể tiếp cận, trong khi đó, quyền được thông tin lại thể hiện một hình thức tiếp cận bị động. Để khẳng định sự khác biệt trong vấn đề này, có ý kiến cho rằng, quyền được thông tin đặt công dân – tuy là chủ nhân tiếp nhận – vào vị trí bị động trong việc TCTT được cung cấp[4].

Theo chúng tôi, nếu nhìn nhận ở góc độ trên, tác giả mới chỉ xem xét cụm từ “quyền được thông tin” ở góc độ hẹp của khái niệm. “Được thông tin” phải hiểu ở góc độ kết quả thụ hưởng cuối cùng. Sự thụ hưởng ở đây có thể là hiển nhiên (do người khác chủ động cung cấp) cũng có thể là không hiển nhiên. Để được thông tin, các chủ thể thụ hưởng cần phải có những hành động tác động nhất định (yêu cầu cung cấp thông tin) đến chủ thể nắm giữ thông tin. Được thông tin có thể hiểu là kết quả của hành vi chủ động thông tin từ phía chủ thể nắm giữ thông tin tới chủ thể tiếp nhận. Tức là chủ thể nắm giữ thông tin chủ động công khai thông tin và chủ thể tiếp cận thu nhận thông tin một cách bị động. Được thông tin ở đây cũng có thể hiểu là việc chủ thể nắm giữ thông tin đáp ứng các yêu cầu (yêu sách) đòi được cung cấp thông tin của chủ thể tiếp nhận thông tin. Tức là chủ thể nắm giữ thông tin cung cấp thông tin một cách bị động theo các yêu cầu cụ thể của chủ thể tiếp nhận thông tin. Như vậy, cách hiểu quyền được thông tin tức là người dân được đặt ở vị trí bị động khi TCTT là thiếu khoa học và không chính xác. Mặt khác, quyền TCTT cũng phải được hiểu theo hai hướng cả chủ động lẫn bị động. Đó là quyền của các chủ thể bằng cách này hay cách khác tiếp cận các thông tin đã được công khai (tiếp cận thụ động). Đồng thời TCTT cũng là cách tiếp cận mà chủ thể tiếp nhận thông tin phải đưa ra các yêu cầu đối với các chủ thể nắm giữ để có được thông tin mình cần (tiếp cận chủ động). Như vậy, cả hai thuật ngữ “quyền TCTT” và “quyền được thông tin” đều đề cập đến quyền của chủ thể được tự do tìm kiếm và tiếp nhận thông tin. Từ đây cho thấy, nội hàm của quyền được thông tin và quyền TCTT về cơ bản là đồng nhất với nhau.

1.2. Quyền tiếp cận thông tin nền tảng của các quyền khác. Ví dụ: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tham gia quản lý nhà nước của công dân; trách nhiệm giải trình của Nhà nước… Quyền TCTT cũng là một quyền phái sinh từ quyền tự do biểu đạt: tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ (khoản 2, Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966)). Read the rest of this post »

VẤN ĐỀ QUYỀN XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH VÀ QUYỀN CHUYỂN GIỚI TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

Đã đăng Tháng Năm 23, 2015 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

Chuyên đề:

VẤN ĐỀ QUYỀN XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH VÀ QUYỀN CHUYỂN GIỚI TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

Luật gia Trương Hồng Quang*

  1. Một số khái niệm công cụ

Xác định giới tính và chuyển đổi giới tính là những vấn đề đã và đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Vậy liệu có phải hai quyền này là đồng nhất với nhau như quan niệm của nhiều người hay không?

Trước hết, phải khẳng định rằng đây là hai vấn đề khác nhau, không đồng nhất. Quyền xác định giới tính liên quan đến nhóm người liên giới tính (intersex), còn quyền chuyển đổi giới tính liên quan đến nhóm người chuyển giới (transgender). Người liên giới tính và người chuyển giới hoàn toàn khác nhau và đều không phải là một bệnh lý. *

Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) định nghĩa các trạng thái liên giới tính là “để chỉ tất cả những trạng thái dẫn đến sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Những trạng thái này có thể liên quan đến những đặc điểm bất thường của các bộ phận sinh dục bên ngoài, các cơ quan sinh sản bên trong, nhiễm sắc thể giới tính, hoặc các hormone giới tính[1]. Bên cạnh đó, Hội người Liên giới tính Bắc Mỹ định nghĩa: “Liên giới tính là một thuật ngữ tổng quát để chỉ chung các trạng thái mà khi đó, về mặt tính dục hay sinh sản, một người sinh ra với một cơ thể không có vẻ phù hợp với các định nghĩa thông thường về người nữ hay nam[2]. Một số ví dụ về các trạng thái liên giới tính là:

– Các bộ phận sinh dục bên ngoài: không phân loại được dễ dàng là của nam hay nữ.

– Các cơ quan sinh sản bên trong: phát triển không hoàn chỉnh hay bất thường.

– Có sự không nhất quán giữa các bộ phận sinh dục bên ngoài và các cơ quan sinh sản bên trong.

– Có các đặc điểm bất thường về nhiễm sắc thể giới tính.

– Tinh hoàn hoặc buồng trứng phát triển không bình thường.

– Việc sản xuất hormone giới tính trên hoặc dưới mức thông thường.

– Cơ thể không có khả năng phản ứng bình thường với các hormone giới tính.

Như vậy, người liên giới tính không nhất thiết phải có biểu hiện “có hai bộ phận sinh dục” hay “bộ phận sinh dục không rõ ràng”. Vì đặc điểm giới tính còn thể hiện cả ở những cơ quan không thấy được bên ngoài như tinh hoàn, tử cung, tuyến nội tiết, nhiễm sắc thể, hormone. Một người sinh ra với bộ phận sinh dục ngoài (dương vật, âm hộ…) trông hoàn toàn bình thường vẫn có khả năng là một người liên giới tính. Người liên giới tính cần được chẩn đoán, phẫu thuật để xác định giới tính nam hoặc nữ. Tại Việt Nam, những người liên giới tính thường được gọi bằng “người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác”. Tuy nhiên, khái niệm này thiên về mô tả, nhưng cũng chưa mô tả đầy đủ các trạng thái của liên giới tính. Thực tế, người ta chưa ghi nhận trường hợp nào có bộ phận sinh dục của cả nam và nữ tồn tại đồng thời một cách hoàn chỉnh về cấu trúc và hoạt động. Các tình trạng liên giới tính là một sự trộn lẫn, mỗi cái chưa hoàn thiện, hoặc trong ngoài không khớp với nhau, hay một đặc điểm giới tính nào đó không điển hình. Vì vậy, cách dịch “liên giới tính” là phù hợp.

Trong khi đó, khác với người liên giới tính, người chuyển giới có giới tính sinh học khi sinh ra hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, người đó lại mong muốn, tự nhận mình mang giới tính khác với giới tính sinh học khi được sinh ra[3]. Một điều rất quan trọng là, không nhất thiết phải trải qua phẫu thuật chuyển giới thì mới được xem là người chuyển giới. Có hai dạng người chuyển giới là: người chuyển giới nam sang nữ và người chuyển giới nữ sang nam. Sau khi được phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì người đó được gọi với khái niệm đầy đủ hơn là người chuyển đổi giới tính (transsexual). Như vậy, có thể hiểu quyền chuyển đổi giới tính được áp dụng đối với người chuyển giới.

  1. Bình luận quy định về quyền xác định giới tính và quyền chuyển giới trong dự thảo Bộ luật Dân sự

Vấn đề này hiện được quy định trong Dự thảo như sau:

Điều 40. Quyền xác định lại giới tính

  1. Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định.
  2. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định.
  3. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
  4. Phương án 1:

Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới.

Phương án 2:

Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.”

Tác giả có một số nhận xét đối với quy định trên của Dự thảo như sau:

Đánh giá một cách khách quan, so với các dự thảo trước đây thì dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có một bước tiến bộ khi quy định thành hai phương án đối với đối tượng người chuyển giới. Tuy vậy, việc quy định hai loại quyền xác định lại giới tính và quyền của người chuyển giới trong một điều luật là thực sự khiên cưỡng. Bản thân quyền “xác định lại giới tính” là dành cho người liên giới tính (người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, không thể định hình rõ mang giới tính nào…) còn quyền chuyển giới, phẫu thuật chuyển đổi giới tính là của người chuyển giới (sinh ra có giới tính sinh học rõ ràng nhưng có mong muốn, nhu cầu được chuyển đổi giới tính). Như vậy, hai quyền này áp dụng cho hai đối tượng khác nhau. Nếu như phương án 1 của khoản 4 được thông qua thì quy định này hoàn toàn có thể được quy định ở điều 40. Nếu như phương án 2 được thông qua thì khoản 4 này phải được tách thành một điều riêng biệt.

Cũng cần nhấn mạnh thêm các quyền liên quan đến xác định giới tính của người liên giới tính, quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới có nội hàm quyền rộng. Quyền này bao gồm các nội dung: thừa nhận hai đối tượng có quyền được tiến hành phẫu thuật, được cải chính lại hộ tịch cũng như các giấy tờ nhân thân. Đối với người chuyển giới thì quyền này càng có ý nghĩa quan trọng là pháp luật thừa nhận họ trong đời sống dân sự, cho phép họ chọn giới tính đúng với mong muốn của mình (dĩ nhiên phải tuân theo những quy trình nhất định). Do vậy, khi nói đến quyền xác định giới tính hay quyền chuyển đổi giới tính không đơn giản chỉ là việc cho phép họ xác định lại giới tính như một thủ tục hộ tịch.

2.1. Quy định về “xác định lại giới tính”

Theo tác giả, quy định tại Điều 40 như trong dự thảo liên quan đến “xác định lại giới tính” còn một số vấn đề cần xem xét lại.

Một là, cách dùng từ “xác định lại giới tính” là không thực sự chính xác. Không có sự “lại” nào ở đây. Người liên giới tính vốn dĩ sinh ra với trạng thái và đặc điểm cơ thể như vậy. Một cách gián tiếp, điều này đặt ra một quan điểm áp đặt những gì không điển hình sẽ nên phải “xác định lại” để trở thành giống như số đông. Chính vì vậy, tác giả đề nghị điều luật chỉ nên dùng cụm từ “Quyền xác định giới tính”. Bên cạnh đó, nội dung điều luật cũng nên minh định rõ quyền này được áp dụng cho người liên giới tính.

Hai là, khoản 2 của Điều này quy định: “Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên…”. Tác giả cho rằng nên cân nhắc quy định việc tiến hành phẫu thuật xác định giới tính không nên áp dụng cho đối tượng dưới 18 tuổi (chưa thành niên). Hãy để cho người đó tự quyết định về giới tính, về bản thân con người mình. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp người liên giới tính từ bé được bố mẹ đưa đi phẫu thuật xác định giới tính nhưng sau khi lớn lên họ không hài lòng với giới tính được xác định nên đã đi phẫu thuật lại. Đây cũng là khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế về người liên giới tính, theo đó việc phẫu thuật đối với người liên giới tính chỉ nên được thực hiện khi người đó đã trưởng thành, được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan để đưa ra một quyết định cho bản thân[4] .

Ba là, trong các khoản 1, 2 và 3 có sử dụng các cụm từ “trong trường hợp luật quy định”, “trong các trường hợp luật quy định”, “theo quy định của luật”[5]. Tác giả cho rằng Ban soạn thảo nên cân nhắc lại việc sử dụng thuật ngữ “luật” trong các trường hợp này bởi thông thường các Điều này sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi Nghị định của Chính phủ hoặc thấp hơn là Thông tư của Bộ Y tế. Sẽ không khả thi khi có một đạo Luật nào đó hướng dẫn cụ thể quy định này của Bộ luật Dân sự. Do vậy, tác giả đề nghị Điều này nên sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” sẽ hợp lý hơn.

2.2. Quy định về “chuyển giới”

Mặc dù việc khoản 4 của Điều 40 nêu trên đưa ra hai phương án cũng được xem là có tiến bộ nhưng tác giả đề nghị cần dứt khoát hơn bằng cách chọn và làm rõ hơn phương án 2.

Nếu phương án 1 của dự thảo hiện tại được lựa chọn, thì nhà nước sẽ không cấm người chuyển giới phẫu thuật thay đổi giới tính, nhưng lại không thừa nhận. Điều này cũng giống như Luật hôn nhân và gia đình bỏ điều cấm kết hôn cùng giới nhưng vẫn chưa thừa nhận, dẫn đến việc cặp đôi đồng tính không thể đăng ký kết hôn với chính quyền. Nếu vậy, những khó khăn của người chuyển giới vẫn không được giải quyết. Họ vẫn không thể thực hiện việc chuyển giới ở Việt Nam, không có dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến việc chuyển giới, và vẫn chưa được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ.

Nếu phương án 2 được lựa chọn, một vấn đề đặt ra là định nghĩa của “trong trường hợp đặc biệt” là gì. Nếu không được định nghĩa rõ ràng thì người chuyển giới cũng khó thực hiện được việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Một người chuyển giới có cơ thể bình thường, dù có khát khao được chuyển đổi giới tính, thì cơ quan chức năng vẫn có thể coi họ không thuộc “trường hợp đặc biệt”. Bên cạnh đó, “cơ quan có thẩm quyền” cũng cần phải được xác định rõ ràng, có thể là các chuyên gia tâm lý, hoặc các cơ sở y tế có chuyên môn.

Như vậy, dường như dự thảo hiện tại vẫn chưa đủ đột phá để bảo vệ quyền của người chuyển giới. Có nhiều lý do được viện dẫn cho việc này, chủ yếu là coi chuyển giới là trái tự nhiên, hoặc sợ chuyển giới thành phong trào gây hậu quả về sức khỏe và quản lý xã hội.

Theo tác giả, cần ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới. Điều này xuất phát từ các lý do sau đây:

Thứ nhất, dưới góc độ nhân quyền quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc không đưa ra bất kì một nghĩa vụ đặc biệt nào về quyền con người đối với các nước thành viên, ngoại trừ nghĩa vụ chung được đưa ra “hành động hỗ trợ và riêng biệt” để “đẩy mạnh sự tôn trọng, tuân theo sự tự do cơ bản và các quyền của con người đối với tất cả mọi người, không có sự phân biệt về giới tính, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo”. Điều 2 của Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948 đã ngăn cấm các quốc gia có sự định kiến cá nhân chống lại những cá nhân khác, căn cứ vào các tiêu chuẩn sau “…như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, hoặc các chính kiến và quan niệm khác, quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc tình trạng khác”. Điều này cũng được ghi nhận tương tự tại các Điều 2(1), 3 và 26 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966). Khác biệt với Hiến chương Liên Hợp quốc, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948 diễn tả một khoảng “mở” đó là “tình trạng khác” trở thành một dạng được bảo vệ, có nghĩa rằng người đồng tính, song tính, chuyển giới có thể được lý giải như một loại “tình trạng khác”. Hơn nữa, từ “mọi người” được lặp lại nhiều lần trong hầu hết các quy định của Tuyên ngôn nói trên, ngoài ra các cụm từ như “sự tự do”, “không phân biệt đối xử” và “các quyền về sự công bằng” được xem như gắn liền với mọi cá nhân. Ngoài ra, Bộ nguyên tắc Yogyakarta[6] được ra đời để áp dụng Luật Nhân quyền cho những vấn đề có liên quan đến xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các nguyên tắc này sẽ xác định nghĩa vụ của các quốc gia là phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền của tất cả mọi người bất kể xu hướng tính dục hoặc giới tính của họ. Hiện nay các quốc gia của thế giới tự do đang vận động để đưa những Nguyên tắc Yogyakarta vào trong pháp luật của họ.

Bên cạnh đó, nội dung Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã nêu rất rõ vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ, chống lại sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Vấn đề đặt ra là việc không thừa nhận quyền của người chuyển giới có được xem là bình đẳng hay không? Ví dụ một người chuyển giới từ nam sang nữ (sinh ra có giới tính sinh học là nam nhưng mong muốn có giới tính là nữ) – bản chất của người này là phụ nữ nhưng lại không được sống là chính mình, không được hưởng những quyền riêng có của nữ giới thì có được xem là bình đẳng hay không? Ngược lại một người chuyển giới từ nữ sang nam, họ mong mình có giới tính là nam nhưng không được chấp nhận, vậy họ có được bình đẳng với những nam giới khác trong xã hội hay không? Thực chất, bình đẳng giới không chỉ hướng đến bình đẳng giữa hai giới nam và nữ mà còn phải đảm bảo bình đẳng ngay trong cùng một giới[7] .

Gần đây nhất là những khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Liên hợp quốc (tháng 6/2014): “Tiếp tục thực thi các chính sách để xóa bỏ phân biệt đối xử đối với những người thuộc các nhóm yếu thế, bao gồm việc cung cấp cho họ tiếp cận với an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở (số 143.86 của Serbia); Thông qua một luật chống lại phân biệt đối xử đảm bảo bình đẳng cho tất cả công dân, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới (số 143.88 của Chile)[8] . Từ đó, Việt Nam cần phải có những hành động tích cực hơn nữa đối với vấn đề này.

Trên thế giới, chuyển giới đã được loại ra khỏi danh sách bệnh tâm thần (DSM-5) và chỉ còn coi là tình trạng không hài lòng với giới tính sinh học của mình[9]. “Trái tự nhiên” hay không tùy thuộc vào cách hiểu thế nào là “tự nhiên” của mỗi người, nhưng hạnh phúc là chính mình thì là quyền của người chuyển giới. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người chuyển giới, nhiều quốc gia đã cho phép chuyển đổi giới tính để người chuyển giới được sống thật là mình.

Thứ hai, nhu cầu xuất phát từ thực tiễn Việt Nam thời gian qua.

Người chuyển giới tại Việt Nam tồn tại và được ghi nhận từ khá sớm, với nhiều cách gọi, hiểu khác nhau theo lịch sử (Đại Việt Thông Sử[10]  đã ghi nhận trường hợp “con gái Nghệ An biến thành con trai” vào năm 1351, hay con trai trưởng của vua Hiến Tông là “thông minh, học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ.”)[11] . Trong xã hội hiện đại, người chuyển giới Việt Nam ngày càng hiện diện rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa được công nhận, chưa có quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Từ đó, đã dẫn đến một số hệ lụy cần phải quan tâm như sau:

(1) Mặc dù người chuyển giới đang tồn tại trong xã hội nhưng thực chất họ sống ngoài vùng phủ sóng, như người vô hình: không được công nhận, nếu ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì khi trở về Việt Nam cũng không được thay đổi giấy tờ nhân thân, hộ tịch… Bản thân người chuyển giới (dù chưa phẫu thuật) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm[12] , tiếp cận y tế, an sinh xã hội, bị chính gia đình, xã hội kỳ thị, thậm chí bị chính gia đình đối xử bạo lực, hành hạ về thể xác cũng như tinh thần… Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hoàn thiện.

(2) Thực tế một số trường hợp người đã phẫu thuật chuyển giới bị xâm hại nhưng không được bảo vệ thích đáng. Thực tế có nhiều người Việt Nam đã phát triển hoàn thiện về giới tính (là nam hoặc nữ) đã ra nước ngoài để phẫu thuật từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam. Những người này, khi về Việt Nam, theo quy định hiện nay, họ không được phép làm lại giấy tờ hộ tịch nên xảy ra thực trạng một số người đã được phẫu thuật chuyển giới có hình dạng bên ngoài và cơ quan sinh dục là nữ nhưng trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu và giấy khai sinh, hộ khẩu của họ vẫn ghi là “nam” và ngược lại. Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra việc một người phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ bị một người nam giới khác thực hiện hành vi giao cấu trái phép gây nên những khó khăn trong việc xử lý hình sự, cho đến nay vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng[13] . Tác giả ủng hộ quan điểm cho rằng, hành vi giao cấu trái phép với người chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ xét về bản chất giống như hành vi giao cấu trái phép với những người phụ nữ; đều xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người, xâm phạm quyền tự do và bất khả xâm phạm về tình dục của con người nên tùy thuộc vào cách thức thực hiện hành vi phạm tội mà có thể cấu thành tội hiếp dâm hoặc tội cưỡng dâm. Tuy nhiên, nếu chúng ta chính thức thừa nhận người chuyển giới và cho phép họ được thay đổi giới tính thì sẽ tránh được những khó khăn và tranh luận không cần thiết khi định tội danh đối với những hành vi nêu trên.

(3) Sự khó khăn trong thực thi pháp luật tố tụng hình sự.

Cũng xuất phát từ việc không được công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người đã phẫu thuật chuyển giới tính cũng gặp khó khăn.

Khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (TTHS) cũng như trong quá trình thi hành án hình sự, có một số biện pháp cưỡng chế mà khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong TTHS; thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong TTHS. Thực tiễn áp dụng cho thấy, khi áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới đã có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, khi khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến (Điều 142). Đối với những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính (từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam) nhưng trên các giấy tờ nhân nhân vẫn ghi giới tính cũ của họ, nếu chúng ta để người khám và người chứng kiến đều là người cùng giới với giới tính cũ của họ sẽ xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị khám.

Theo quy định của pháp luật TTHS và pháp luật về thi hành án hình sự, khi tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành hình phạt tù, chúng ta bố trí, phân loại khu vực giam giữ bị can, bị cáo, người phạm tội theo giới tính: nam giam, giữ riêng; nữ giam, giữ riêng. Trong trường hợp này, đối với người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính gây khó khăn cho các cơ quan. Có thể nhận thấy việc giam giữ chung người chuyển giới với phạm nhân bình thường có thể gây ức chế tâm sinh lý, làm ảnh hưởng sinh hoạt của tất cả mọi người. Thời gian qua cũng đã có vụ việc một người chuyển giới bị các phạm nhân bình thường tẩy chay không chịu cho ở chung[14]. Trên giấy tờ tùy thân của phạm nhân này là nam nhưng thực tế thì đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành nữ. Khi lực lượng chức năng đưa người này vào phòng giam nam thì bị các can phạm nam tẩy chay, không cho ở chung. Sau đó, lực lượng chức năng chuyển sang phòng giam nữ, các can phạm nữ cũng cương quyết không chịu. Công an Quận 11 đành chuyển người này đến Trại tạm giam Chí Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) nhờ giải quyết. Điều may mắn là ở đây có một phòng giam toàn các phụ nữ đã lớn tuổi, thấu hiểu hoàn cảnh nên chấp nhận cho phạm nhân nói trên ở cùng.

(4) Lo ngại về việc lạm dụng quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính là không thực sự có cơ sở

Thời gian qua cũng có ý kiến lo ngại nếu cho phép chuyển đổi giới tính sẽ có nhiều người (không phải là người chuyển giới) đi phẫu thuật để trốn tránh pháp luật (tội phạm). Thực tế, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính không thay đổi khuôn mặt (chỉ thay đổi nếu phẫu thuật thẩm mỹ). Một điểm rất quan trọng là dấu vân tay của người đó không thể thay đổi được. Hơn nữa, không phải muốn chuyển giới là được bởi nếu không thực sự là người chuyển giới sẽ khó vượt qua giai đoạn về kiểm tra đời sống thực (sống như giới tính mình mong muốn). Những hệ quả lâu dài (giảm tuổi thọ, không có khả năng có con cái, tiêm hormone suốt đời…) có thể làm nhiều người chuyển giới e ngại, bỏ cuộc chứ chưa nói đến những người dị tính hay đồng tính. Chính vì vậy, sự lo ngại trên là không hợp lý.

Để đảm bảo “phong trào chuyển giới” không diễn ra như e ngại của nhiều người (dù trên thực tế không ai lại bỏ ra hàng trăm triệu và chịu đau đớn do phẫu thuật chỉ vì theo phong trào), pháp luật có thể học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới xây dựng một quy trình tư vấn tâm lý và pháp lý giúp người chuyển giới hiểu bản thân và chuẩn bị cho cuộc sống với giới tính mới của họ. Ví dụ, người chuyển giới cần được tư vấn về tâm lý để họ thực sự xác định đúng nhu cầu chuyển giới của mình, có thời gian sống thử với giới tính mong muốn trước khi được kê đơn sử dụng hóc môn. Sau đó, dịch vụ phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu mới được cung cấp và thực hiện nếu các điều kiện được thỏa mãn.

(5) Lo ngại về sức khỏe y tế khi một người phẫu thuật chuyển đổi giới tính

Thực tế, sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì người chuyển giới có khả năng sẽ bị giảm tuổi thọ, sức khỏe suy giảm, tiêm thuốc hormon suốt đời… Tuy nhiên, không nên lấy lý do này ngăn cản người chuyển giới không có quyền được sống đúng với giới tính mong muốn của họ. Việc tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính là việc tự nguyện, là nhu cầu của người chuyển giới và các tác dụng phụ đối với sức khỏe sau phẫu thuật đều được thông tin cho họ trước khi phẫu thuật. Vấn đề này cũng không có ảnh hưởng xấu đến xã hội cũng như các cá nhân khác.

(6) Việc ghi nhận quyền xác định giới tính của người liên giới tính càng cho thấy nên ghi nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới

Nhà nước không chỉ ghi nhận quyền của những người có khuyết tật bẩm sinh về cơ thể còn cần phải ghi nhận mong muốn chính đáng của những người chuyển giới. Quy định về quyền nhân thân này của người chuyển giới cũng giúp mọi người hiểu được sự khác nhau giữa họ và người liên giới tính. Bản thân người liên giới tính cũng chỉ chiếm số ít trong xã hội giống như người chuyển giới nên không có lý do gì không công nhận quyền tương tự của người chuyển giới. Người liên giới tính hay người chuyển giới đều là những điều tự nhiên của xã hội, không xuất phát từ ý chí chủ quan của người đó nên không gây hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do đó, họ phải có các quyền nhân thân đầy đủ.

Từ những lý do trên, tác giả đề nghị dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) nên công nhận quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới. Mức độ ghi nhận đầu tiên có thể là: muốn được công nhận là người chuyển giới phải trải qua quy trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì mới được thay đổi giấy tờ hộ tịch có liên quan. Có thể thiết kế điều luật như sau:

Điều… Quyền chuyển đổi giới tính

  1. Quyền chuyển đổi giới tính được áp dụng cho người chuyển giới đã thành niên.
  2. Các vấn đề cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính do pháp luật quy định.”

Khi quy định quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới cũng cần lưu ý đến việc bổ sung quy định pháp luật hộ tich về thủ tục thay đổi họ, tên đối với các trường hợp người chuyển giới đã tiến hành phẫu thuật. Nếu tiến bộ hơn, Bộ luật Dân sự nên cho phép người chuyển giới dù chưa phẫu thuật nhưng cũng có thể đổi tên theo hướng “trung dung” hơn, tránh gây sự kỳ thị trong xã hội vì ngoại hình và giới tính./.

* Nghiên cứu viên, Viện Khoa  học pháp lý, Bộ Tư pháp. Email: quangth@moj.gov.vn

[1] Xem: http://www.apa.org/topics/sexuality/intersex. pdf (Cổng thông tin của Hiệp hội Tâm lý Mỹ).

[2] Xem: What is intersex?, http://www.isna.org/faq/what_is_intersex (Cổng thông tin của Hiệp hội Người liên giới tính Bắc Mỹ).

[3] Trương Hồng Quang, Người chuyển giới tại Việt Nam dưới góc nhìn pháp lý, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21, tháng 11/2013. Trong khi đó, người đồng tính không mong muốn mình có giới tính khác với giới tính khi được sinh ra và chỉ yêu người có cùng giới tính với mình.

[4]Xem khuyến cáo của Hiệp hội Người liên giới tính Bắc Mỹ tại: What does ISNA recommend for children with intersex?, nguồn: http://www.isna.org/faq/patient-centered (“Surgeries done to make the genitals look “more normal” should not be performed until a child is mature enough to make an informed decision for herself or himself. Before the patient makes a decision, she or he should be introduced to patients who have and have not had the surgery. Once she or he is fully informed, she or he should be provided access to a patient-centered surgeon”).

[5] Khoản 4 cũng sử dụng cụm từ này khi đề cập đến việc chuyển giới.

[6] Được thông qua tại Canada ngày 26/3/2007.

[7] Xem một số nghiên cứu của cùng tác giả bài viết: Các vấn đề xã hội và pháp lý về cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số tháng 6/2013; Người đồng tính, song tính, chuyển giới tại Việt Nam với nhu cầu đổi mới hệ thống pháp luật, Sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014…

[8] Trước đó, tại kỳ Kiểm định Định kỳ Phổ quát năm 2009, Việt Nam cũng từng chấp nhận khuyến nghị: “Tăng cường nỗ lực gia tăng nhận thức xã hội về những vai trò giới tích cực, đặc biệt hướng đến việc xóa bỏ những khác biệt do giới đang tồn tại trong giáo dục và thị trường lao động. Tiếp tục thực thi những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy quyền của những người dễ bị tổn thương về xã hội, bao gồm người khuyết tật (Khuyến nghị số 28, 29 của Bangladesh và Hàn Quốc)”.

[9] Nguồn: http://dienngon.vn/Blog/Article/co-hoi-nao-cho-nguoi-chuyen-gioi-trong-bo-luat-dan-su-sua-doi, ngày 14/42015.

[10] Do nhà sử học Lê Quý Đôn biên soạn năm 1759, xem tại: http://www.viethoc.org/eholdings/sach/dvts.pdf

[11] Xem: Nhật Thy, Người chuyển giới tại Việt Nam: Còn vướng nhiều rào cản,

http://tiengchuong.vn/Utilities/PrintView.aspx?id=10913, ngày 29/7/2014.

[12] Nhiều người chuyển giới phải đi hát quán bar, hát đám ma, lang thang, thậm chí phải hành nghề mại dâm…

[13] Xem: Hoàng Yến, Hiếp dâm người chuyển đổi giới tính, có bị tội?, nguồn:

http://phapluattp.vn/20100824122757371p1063c1016/hiep-dam-nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh-co-bi-toi.htm, ngày 24-8-2010; Vụ hiếp dâm người chuyển đổi giới tính: Phải giám định mới xử được?, http://phapluattp.vn/20100826111728969p0c1063/vu-hiep-dam-nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh-phai-giam-dinh-moi-xu-duoc.htm, ngày 27-8-2010; Trương Thanh Tú, Khó quy tội hiếp dâm người chuyển giới,

http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tu-van/kho-quy-toi-hiep-dam-nguoi-chuyen-gioi-2235122.html, ngày 27-6-2012; Một vụ việc tiếp tục được phát hiện thời gian gần đây như: Hồng Anh, Hiếp dâm người chuyển đổi giới tính có bị xử lý?, http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tu-van/hiep-dam-nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh-co-bi-xu-ly-2234642.html, ngày 21-6-2012.

[14]Xem: Người chuyển giới ở tù: phòng nam hay phòng nữ?, http://danviet.vn/52213p1c33/nguoi-chuyen-gioi-o-tu-phong-nam-hay-phong-nu.htm, ngày 1-8-2011.

Quyền cho người LGBT và những “lỗ hổng pháp lý”

Đã đăng Tháng Năm 23, 2015 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

Thực tiễn thời gian qua cho thấy còn có nhiều khó khăn trong việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù đối với người đã chuyển giới…

Về cơ bản, người LGBT Việt Nam được hưởng các quyền như các cá nhân khác trong xã hội. Tuy nhiên, vì một số lý do mà hiện nay họ vẫn chưa được hưởng một số quyền nhất định. Vậy đó là những quyền gì và nguyên nhân do đâu?

Lâm Chí Khanh tên thật là Huỳnh Phương Khanh. Sau khi chuyển giới, cô được khán giả biết đến với nghệ danh Khanh Chi Lâm, sau đó là Lâm Chi Khanh.

Quyền chưa được thừa nhận

Khi xem xét hệ thống pháp luật cho thấy về cơ bản, người LGBT Việt Nam không phải chịu những quy định hà khắc, phân biệt đối xử như nhiều quốc gia trên thế giới và được hưởng hầu hết các quyền như người dị tính. Pháp luật Việt Nam không có những quy định cấm hiện tượng đồng tính/song tính, bỏ tù/tử hình người đồng tính/quan hệ đồng tính như một số nước trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, người LGBT Việt Nam chưa được ghi nhận các quyền dưới đây:

(1) Cấm việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

(2) Không thừa nhận hôn nhân giữa người cùng giới tính (về bản chất là không cho phép hai người cùng giới tính được đăng ký kết hôn với nhau).

Với những hạn chế quyền như trên liên quan đến người LGBT đã dẫn đến những hệ quả nhất định. Ví dụ như cặp đôi đồng tính chung sống với nhau nhưng không có những quyền về tài sản, nhân thân như cặp vợ chồng khác giới kết hôn; người chuyển giới nếu có ra nước ngoài phẫu thuật khi về Việt Nam cũng không được công nhận giới tính nên không được thay đổi các giấy tờ tùy thân…

Một cặp đôi đồng tính nữ hạnh phúc trong Ngày hội Viet Pride. Ảnh: Zing

Một hệ quả khác là các cặp đôi đồng tính không được nhận con nuôi chung. TạiKhoản 3, Điều 8 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Như vậy, đối với một cặp vợ chồng xin nhận con nuôi thì bắt buộc phải là nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật và cùng đồng ý xin con nuôi. Theo đó, pháp luật hiện hành chưa chấp nhận việc xin con nuôi chung của các cặp đôi đồng tính.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, bản thân người LGBT vẫn có quyền kết hôn với người khác giới tính và được hưởng đầy đủ các quyền liên quan. Bản thân người chuyển giới nếu không phẫu thuật chuyển đổi giới tính và kết hôn với người có giới tính khác với giới tính hiện tại thì pháp luật cũng không cấm. Chỉ khi người LGBT muốn sống đúng với xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình (kết hôn với người cùng giới tính/phẫu thuật chuyển đổi giới tính) thì pháp luật hiện hành chưa cho phép.

Cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm là người được công nhận xác định lại giới tính đầu tiên tại Việt Nam.

Những khoảng trống

Ngoài những quyền chưa được công nhận, các quy định hiện hành khác trong một số lĩnh vực cũng chưa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người LGBT.

Trong lĩnh vực hình sự, quan niệm về hành vi giao cấu ảnh hưởng đến việc thi hành các quy định về hành vi tình dục trái phép giữa những người cùng giới. Trên thực tế, trong số trẻ em bị xâm hại tình dục bởi một nam giới có nhiều trường hợp là bé trai, song cơ quan tố tụng lại không xử lý về tội danh hiếp dâm mà chuyển sang tội “dâm ô với trẻ em” với khung hình phạt không tương xứng . Bên cạnh đó cũng có tình trạng dâm ô người cùng giới (đủ 16 tuổi trở lên) nhưng nạn nhân không được bảo vệ một cách đầy đủ.

Ở một góc độ khác, người đã phẫu thuật chuyển giới (ví dụ từ nam sang nữ)khi bị hiếp dâm vẫn chưa được bảo vệ chính đáng. Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy còn có nhiều khó khăn trong việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù đối với người đã chuyển giới (vì không biết nên giam giữ ở phòng nam hay phòng nữ).

Sự khó khăn trong tiếp cận pháp luật, hưởng quyền được trợ giúp pháp lý của người LGBT; vẫn còn khoảng trống chính sách về trẻ em LGBT đường phố… cũng là những vấn đề cần quan tâm và có giải pháp cụ thể.

Phạm Lê Quỳnh Trâm có tên khai sinh là Phạm Văn Hiệp.

Nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến thực trạng hiện nay. Thực tế, nhóm quyền liên quan đến người LGBT được xem là nhóm quyền mới phát sinh trong xã hội. Quá trình tranh luận, đánh giá để ghi nhận nhóm quyền này đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều mức độ khác nhau. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.

Cần phải khẳng định những cá nhân trong cộng đồng LGBT Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền nhân thân và quyền tài sản do pháp luật dân sự quy định chung cho mọi cá nhân. Do vậy, họ đều có năng lực pháp luật dân sự bình đẳng với năng lực pháp luật dân sự của các cá nhân khác.

Các cá nhân trong cộng đồng LGBT vẫn là chủ thể trong quan hệ tài sản như sở hữu tài sản, thừa kế tài sản, là chủ thể trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các quyền, nghĩa vụ về tài sản trong các quan hệ hợp đồng. Tuy nhiên, do những đặc điểm xu hướng tính dục và bản dạng giới riêng của những người trong cộng đồng LGBT, các quy định của pháp luật được quy định chung cho tất cả mọi người lại vô tình hoặc hữu ý không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, nguyện vọng cũng như chưa đảm bảo cho cộng đồng LGBT thực hiện được các quyền, lợi ích chính đáng.

Quyết định xác định lại giới tính của Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Qua thực tiễn thi hành cũng cho thấy pháp luật Việt Nam chưa thực sự tiệm cận với các giá trị chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quan hệ sống chung của người đồng tính đặt ra yêu cầu xem xét thừa nhận quan hệ này (từ đó phát sinh các quan hệ về tài sản, nhân thân, con cái…); người chuyển giới bị kỳ thị rất nhiều trong xã hội, cần được thừa nhận quyền phẫu thuật để tránh khỏi một số trường hợp không được bảo vệ quyền đầy đủ (ví dụ như bị hiếp dâm, thi hành án phạt tù không biết giam phòng nam hay phòng nữ…)… Quan điểm của xã hội cũng như các nhà lập pháp về những vấn đề trên còn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn và ở nhiều mức độ chấp nhận khác nhau. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

(1) Quan niệm của Việt Nam xuất phát từ nhiều quan điểm truyền thống, còn khá lạc hậu, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người nên không chấp nhận người LGBT, coi đó là hiện tượng bất bình thường, là sự khiếm khuyết của xã hội. Chủ nghĩa độc tôn dị tính đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người dân Việt Nam. Từ đó, sự bó hẹp trong khuôn khổ của một “xã hội dị tính” là điều phổ biến.

(2) Một số nhóm trong xã hội hiện nay có cái nhìn tích cực về người LGBT, nhưng vẫn chưa ủng hộ họ có quyền đầy đủ như người dị tính. Điều đó cho thấy, việc chấp nhận, công nhận các quyền bình đẳng của người LGBT cần có một thời gian nhất định, không thể ngay lập tức thay đổi toàn bộ quan niệm thông thường của xã hội.

(3) Bản thân những nhà lập pháp trước đây khi xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến cộng đồng LGBT (ví dụ như Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 88/2008/NĐ-CP,…) cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ, đúng đắn về người LGBT, chưa tiếp cận được với sự đa dạng tính dục, đa dạng bản dạng giới khác nhau của xã hội.

Một trong những biểu hiện của việc chưa tiếp cận này được thể hiện ở quan niệm về bình đẳng giới của Việt Nam được hình thành theo xu hướng cổ điển. Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động bình đẳng giới hướng đến mục tiêu tạo sự ngang bằng giữa nam và nữ về mọi mặt, trong đó tạo một số điều kiện để nữ giới được phát huy khả năng của bản thân.

Quan niệm này đúng nhưng dường như chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được xu hướng phát triển về giới hiện nay. Mặc dù thuật ngữ gender (giới tính) là khái niệm rộng, nhưng hiện tại chỉ mới được hiểu ở mức độ biological sex/gender (giới tính sinh học) mà chưa có sự ghi nhận bình đẳng giữa những xu hướng tính dục, bản dạng giới khác nhau.

Tấm hộ chiếu của Phạm Lê Quỳnh Trâm với giới tính: Nữ.

Không thể phủ nhận quan niệm bình đẳng giới là bình đẳng giữa nam và nữ rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, ngay trong chính giới nam hoặc nữ lại có những bất bình đẳng nhất định mà pháp luật Việt Nam còn đang bỏ ngỏ.

Ví dụ, với một người đàn ông dị tính và một người đàn ông đồng tính thực sự còn khác nhau rất nhiều ở sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Hiến pháp và pháp luật không tỏ rõ thái độ thừa nhận hay cấm hiện tượng đồng tính và cũng không ghi nhận nguyên tắc cấm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với các vấn đề về xu hướng tính dục. Như vậy, chưa tính đến các quyền khác như quyền kết hôn, quyền thừa kế, cho nhận con nuôi,… thì chỉ ở riêng khía cạnh không phân biệt đối xử ngay trong cùng một giới đã có sự khác nhau rõ rệt. Nếu không đề cập đến việc cấm phân biệt đối xử đối với trong cùng một giới liệu có công bằng? Liệu có cơ sở để bảo vệ những đối tượng thiểu số trong xã hội vốn rất cần sự bảo hộ của Nhà nước?

Cũng chính vì quan niệm bình đẳng giới bị bó hẹp như vậy nên trong thực tiễn hiện nay, người LGBT còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhiều lĩnh vực (đời sống, việc làm,…). Có lẽ, nếu không ghi nhận việc cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới thì pháp luật sẽ ít nhiều mất đi giá trị xã hội vốn có của nó. Vì vậy, bình đẳng giới cần đề cập đến sự bình đẳng ngay trong một giới (giữa các bản dạng giới, xu hướng tính dục).

Hiện nay, ở các nước tiến bộ thường có sự ghi nhận về bình đẳng giữa các xu hướng tính dục, bản dạng giới (ví dụ như cấm sự kỳ thị đồng tính), nghĩa là hướng đến sự bình đẳng ngay trong cùng một giới. Như vậy, quan niệm về bình đẳng giới phải rộng hơn, không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ.

Các nước cũng thể hiện thái độ khác nhau đối với bình đẳng về xu hướng tính dục, ví dụ như có nước cấm sự kỳ thị nhưng có nước lại cấm hiện tượng đồng tính (44 quốc gia trên thế giới), cấm tuyên truyền về đồng tính (ví dụ như Thành phố Saint Peterburg của Nga), xem đồng tính là tội phạm hình sự (ví dụ như ở Sudan, Yemen,…).

Việc ghi nhận nguyên tắc cấm sự kỳ thị về xu hướng tính dục, bản dạng giới là điều hoàn toàn phù hợp với xu hướng nhân quyền hiện nay. Chính điều đó sẽ làm cho quan niệm về bình đẳng giới được toàn diện hơn nữa.

Trong Ngày IDAHOT 2015 (Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và người chuyển giới) đã đưa ra kiến nghị về quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới.

Nội dung kiến nghị đó có cụ thể như thế nào, và liệu những quyền này sẽ được chấp nhận đến đâu? Xin mời độc giả tiếp tục theo dõi Kỳ 3: Người chuyển giới: “Cửa bao giờ sẽ mở”? vào 11h30 ngày 22/5/2014 trênTintuc.vn.

Luật gia Trương Hồng Quang, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Read the rest of this post »

Người chuyển giới: “Cửa” bao giờ sẽ mở?

Đã đăng Tháng Năm 23, 2015 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

Tags: , ,

Nhóm quyền LGBT là vấn đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tại Việt Nam, rất có thể vấn đề này sẽ còn phải trải qua một thời gian dài nữa.

Trong bản báo cáo “Thành tựu và thách thức của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới” nhân “Ngày IDAHOT 2015” (Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và người chuyển giới) đã có một kiến nghị liên quan tới quyền của riêng đối tượng người chuyển giới: Cần hợp pháp hóa việc chuyển giới ở Việt Nam nhằm bảo vệ quyền cũng như sức khỏe của người chuyển giới; Cần quy định “cá nhân là người thành niên có quyền chuyển giới theo quy định của pháp luật”; Cần cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính và họ tên trên giấy tờ tùy thân…

Tại sao người chuyển giới lại không có những quyền nói trên và liệu “cánh cửa pháp lý” sẽ mở và khi nào sẽ mở? Tintuc.vn xin tiếp tục giới thiệu bài viết của Luật gia Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp về vấn đề này.

Nhóm quyền LGBT là vấn đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực tiễn pháp luật quốc tế, xu hướng của các quốc gia trên thế giới cũng như thực tiễn tại Việt Nam cho thấy hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới là một nhu cầu, một điều cần thiết tại Việt Nam hiện nay.

Thách thức cho quyền của người chuyển giới

Thời gian qua cũng có ý kiến lo ngại nếu cho phép chuyển đổi giới tính, có nhiều người (không phải là người chuyển giới) sẽ lạm dụng quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, hoặc trốn tránh pháp luật (chẳng hạn như đối với tội phạm).

Song trên thực tế, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính không thay đổi khuôn mặt (chỉ thay đổi nếu phẫu thuật thẩm mỹ). Và điểm rất quan trọng là dấu vân tay của người đó không thể thay đổi được. Hơn nữa, không phải muốn chuyển giới là được bởi nếu không phải là người chuyển giới sẽ khó vượt qua được quy trình chuyển đổi giới tính (kiểm tra đời sống thực – sống như giới tính mình mong muốn, tiêm hormone, phẫu thuật…). Trên thế giới, nhiều người chuyển giới cũng không vượt qua được quy trình này.

Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam: “Không nên lấy lý do xã hội còn chưa hoàn toàn chấp thuận để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc bảo vệ về mặt pháp lý quyền của LGBT”.
Phát biểu tại tọa đàm “Thành tựu và thách thức của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới” tổ chức ngày 15/5/2015, Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh:
“Không nên lấy lý do xã hội còn chưa hoàn toàn chấp thuận để biện hộ cho sự chậm trễ trong việc bảo vệ về mặt pháp lý quyền của LGBT. Ngược lại, một hệ thống luật pháp và hoạch định chính sách tiến bộ sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy quyền của các nhóm yếu thế và tạo nên những thay đổi tích cực về mặt xã hội và văn hóa”.

Bên cạnh đó, những hệ quả lâu dài(giảm tuổi thọ, không có khả năng có con cái, tiêm hormone suốt đời…) có thể làm nhiều người chuyển giới e ngại, bỏ cuộc chứ chưa nói đến những người dị tính hay đồng tính. Chính vì vậy, sự lo ngại trên là không hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu thừa nhận việc chuyển giới thì sẽ gián tiếp thừa nhận hôn nhân cùng giới vì bản chất của họ vẫn là nam hoặc nữ chứ không phải giới tính sau khi phẫu thuật. Đây là một quan điểm chưa đúng đắn.

Bản chất của người chuyển giới phải là giới tính ngược với giới tính sinh học khi họ sinh ra. Nếu chúng ta thừa nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cho phép họ thay đổi giấy tờ nhân thân thì chúng ta đã chính thức thừa nhận người chuyển giới, thừa nhận giới tính thực của họ. Khi đó, nếu một người kết hôn với một người có cùng giới tính với giới tính của họ trước khi phẫu thuật thì đó cũng không phải là kết hôn cùng giới bởi giới tính hiện tại của họ đã thay đổi. Không thể coi bản chất của họ vẫn là giới tính cũ được.

Phạm Lê Quỳnh Trâm (tên thật là Phạm Văn Hiệp) được xác định là người liên giới tính, và là người chuyển giới Việt Nam đầu tiên được xác định là giới tính từ Nam sang Nữ.

Pháp luật dân sự hiện hành (cũng như dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi) đã ghi nhận quyền xác định lại giới tính của người có khuyết tật bẩm sinh về cơ thể(người liên giới tính – intersex) (như trường hợp cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm trong bài viết Quyền cho người LGBT và những “lỗ hổng pháp lý”?). Theo đó, Nhà nước không chỉ ghi nhận quyền của những người có khuyết tật bẩm sinh về cơ thể, mà còn cần phải ghi nhận mong muốn chính đáng của những người chuyển giới.

Quy định về quyền nhân thân này của người chuyển giới cũng giúp mọi người hiểu được sự khác nhau giữa họ và người liên giới tính. Bản thân người liên giới tính cũng chỉ chiếm số ít trong xã hội giống như người chuyển giới, nên không có lý do gì không công nhận quyền tương tự của người chuyển giới. Người liên giới tính hay người chuyển giới đều là những điều tự nhiên của xã hội, không xuất phát từ ý chí chủ quan của người đó nên không gây hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Do đó, họ phải có các quyền nhân thân đầy đủ.

Khoảng trống pháp lý sẽ được lấp đầy?

Có thể nói, việc dự thảo Bộ luật dân sự ghi nhận thành hai phương án (cho phép hoặc không thừa nhận phẫu thuật chuyển giới) đã là một bước tiến về nhận thức trong xây dựng pháp luật hiện nay. Điều này cũng xuất phát từ sự tác động, vận động mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ quyền LGBT Việt Nam thời gian qua. Thực sự, các tổ chức xã hội ngày càng tham gia tích cực vào quá trình xây dựng pháp luật tại Việt Nam.

Hà Duy là một người chuyển giới, tiêm hormone được hơn 1 năm. Cậu phải nhờ bạn mua và tiêm cho. Mặc dù biết gặp rất nhiều rủi ro, song Duy vẫn quyết tâm thực hiện mong muốn “trở lại đúng con người thật của mình”. Cậu cũng đã từng gặp một số rắc rối liên quan đến giấy tờ khi tên trong khai sinh là nữ, nhưng dáng vẻ bên ngoài hiện giờ là một cậu con trai.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bỏ điều khoản cấm hôn nhân cùng giới (chuyển sang “không thừa nhận”).

Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận một kiến nghị của Chile trong Phiên kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tháng 6/2014 để xây dựng một Luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử, bao gồm cả trên bản dạng giới và xu hướng tính dục.

Việt Nam cũng bỏ phiếu thuận cho việc thông qua một Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới vào tháng 9/2014.

(Nguồn: iSEE)

Như đã nêu ở trên, nhóm quyền LGBT là vấn đề còn gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tại Việt Nam, rất có thể vấn đề này sẽ còn phải trải qua một thời gian dài nữa. Chỉ riêng việc các vấn đề về quyền LGBT được đưa ra tranh luận, đánh giá tại Việt Nam đã là một điều tích cực.

Bên cạnh quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cần sớm có những thay đổi về mặt chính sách, pháp luật khác liên quan đến pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, bảo vệ quyền dân sự, tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý, bạo lực gia đình… để góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng tại Việt Nam. Đây là những vấn đề thiết thực và có thể sửa đổi ngay trong thời điểm hiện tại.

Trong lần sửa đổi Bộ luật dân sự này, tôi cho rằng vấn đề người chuyển giới được thừa nhận, được thực hiện quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính là tương đối khó khăn. Xét một cách toàn diện, vấn đề quyền của nhóm LGBT mặc dù được đề cập đến nhiều trong vài năm gần đây nhưng thực chất cũng vẫn là vấn đề còn mới tại Việt Nam (và ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới).

Có thể người chuyển giới ngày càng bộc lộ bản thân, xuất hiện nhiều hơn trong xã hội, nhưng trong tiến trình xây dựng pháp luật thì họ vẫn còn là vấn đề mới phát sinh về quyền con người. Hơn nữa, cách thức xây dựng pháp luật của nước ta thời gian qua thường có xu hướng ghi nhận những vấn đề đã phổ biến trong xã hội, ít dư luận trái chiều. Do vậy, quá trình vận động quyền của người LGBT Việt Nam nói chung và quyền của người chuyển giới nói riêng sẽ phải tiếp tục sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tôi luôn tin giá trị nhân văn của pháp luật sẽ tiếp tục được bồi đắp. Tạo ra một xã hội bình đẳng giữa các công dân chính là một giá trị nhân văn của pháp luật. Xã hội văn minh nhất là xã hội có một nền pháp luật chan chứa tình người, có cái gốc nhân bản bền vững.

Read the rest of this post »

Cái gì ‘hỏi ý dân’, cái gì không?

Đã đăng Tháng Năm 20, 2015 bởi Xấu Lộng Lẫy
Chuyên mục: Chưa phân loại

Cái gì ‘hỏi ý dân’, cái gì không?

Kết quả của trưng cầu ý dân là sự phản ánh đa số ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện.LTS: Thông tin từ báo chí cho hay, ngày 12/5, lần thứ hai trình UB Thường vụ QH, dự thảo luật Trưng cầu ý dân vẫn còn một số điểm cónhiều ý kiến khác nhau. Để góp một góc nhìn cho vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Ngày nay, trên thế giới, nhiều nước đã và đang sử dụng trưng cầu ý dân như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy vậy, mặc dù đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam từ rất lâu, nhưng cho đến nay quyền trưng cầu ý dân vẫn chưa được cụ thể hóa thành luật.

Rào cản từ nhận thức…

Hiện nay có một số tác giả (ở cả trong và ngoài nước) cho rằng trình độ người dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp, nhất là đối với những người dân có trình độ thấp. Thực ra, một người dân, khi tham gia quyết định những vấn đề chính trị, thì họ phải nhìn nhận theo tiêu chí riêng của họ.

Rõ ràng, khó có thể nói rằng việc lựa chọn phương án nào (trong số các phương án đưa ra trong một cuộc trưng cầu ý dân) là khôn ngoan nhất. Vấn đề là ở chỗ, kết quả của trưng cầu ý dân là sự phản ánh đa số ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó rõ ràng góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và nhất là phải hợp lòng dân.

Như vậy, rào cản ở đây cũng xuất phát từ chính người dân, nhưng rào cản nhận thức của chính quyền trong việc đánh giá vai trò, vị trí của người dân cũng chưa thực sự toàn diện. Đây là một thực tế nếu không được khắc phục thì sẽ khó có dân chủ thực sự.

trưng cầu dân ý, dự thảo, quốc hội, Hiến pháp
Còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật Trưng cầu dân ý. Ảnh minh họa

…đến dự thảo Luật trưng cầu ý dân

Hiện nay dự thảo Luật trưng cầu ý dân đang được Hội luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo. Nội dung của dự thảo cho thấy khá nhiều vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau cần xử lý[1].

Có nên có trưng cầu ý dân ở địa phương?

Theo tinh thần Dự thảo hiện nay thì trưng cầu ý dân chỉ được áp dụng ở phạm vi cả nước (toàn quốc). Chúng tôi cho rằng cần cân nhắc bổ sung phạm vi áp dụng đối với phạm vi địa phương. Ở nhiều nước, pháp luật quy định có hai loại hình trưng cầu ý dân là trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước và trưng cầu ý dân ở địa phương, cụ thể như ở Thụy Sĩ, Italia, Pháp.

Đặc điểm kinh tế – xã hội nước ta đặt ra yêu cầu phải giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại địa phương, ngay tại cơ sở để đảm bảo hiệu quả. Do đó, nếu không quy định trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì sẽ không giúp giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đời sống kinh tế – xã hội ở địa phương.

Nếu có quy định tổ chức trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương, những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân có thể là: điều chỉnh địa giới hành chính; việc xây dựng các công trình lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi sinh của một vùng rộng lớn hoặc chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng (điện, đường, trường học, trạm y tế, nghĩa trang, các công trình văn hóa, thể thao); hương ước, quy ước làng văn hóa, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội v.v… Tham khảo pháp luật một số nước cho thấy cách tiếp cận tương tự.

Nên quy định những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân?

Vấn đề này chưa được đề cập trong Dự thảo. Ở các nước trên thế giới, bên cạnh các quy định các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, còn có cả các quy định về những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung, pháp luật các nước quy định về các vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề có tính chuyên môn sâu, cử tri khó có thể nắm bắt được nếu không được đào tạo bài bản, như các vấn đề về ngân sách, tài chính quốc gia; các vấn đề gắn với chế độ, thể chế chính trị, uy tín của nguyên thủ quốc gia như cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của nhà vua.

Pháp luật của các nước cũng không cho phép tổ chức trưng cầu ý dân đối với những vấn đề mà không tổ chức cũng đã biết kết quả. Ví dụ tổ chức trưng cầu ý dân việc tăng lương, giảm thuế.

Chúng tôi cho rằng dự thảo Luật trưng cầu ý dân cũng cần phải quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân.

Nhân dân có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân?

Các chủ thể có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân được xác định tùy theo truyền thống pháp lý và đặc điểm tình hình kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Ở nhiều nước, pháp luật quy định chỉ một số cơ quan nhà nước nhất định mới có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân. Ví dụ như tại Cộng hòa Pháp, thì đó là Chính phủ và Quốc hội.

Ở một số nước khác, lại quy định Nhân dân cũng có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân, chẳng hạn như là Thụy Sĩ. Pháp luật nước này quy định nếu người dân muốn tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên bang cần phải thu thập đủ chữ ký của 100.000 cử tri trong thời gian là 18 tháng.

Đối với Điều 11 của dự thảo luật hiện tại, cũng có quan điểm cho rằng trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó Nhân dân được trực tiếp quyết định các vấn đề của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhân dân phải có quyền trực tiếp đề đạt vấn đề thấy cần trưng cầu ý dân. Do đó, cần quy định Nhân dân cũng có quyền trình kiến nghị về trưng cầu ý dân khi có được một số lượng chữ ký nhất định.

Mặc dù về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng về mặt thực tiễn, việc thực hiện nó có thể gặp rất nhiều phức tạp. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ chính trị – pháp lý của nhân dân… so với nhiều nước khác, rõ ràng cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi. Do đó, việc xác định rõ những vấn đề cụ thể là rất cần thiết, nhằm hạn chế tối đa các rào cản trong thực tế áp dụng./.

Luật gia Trương Hồng Quang (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)

——

[1] Tác giả sử dụng bản dự thảo được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 2/2015.